Những khoảnh khắc cuộc sống yên bình ở châu Âu bị các phần tử khủng bố phá vỡ. Ảnh: AFP- TTXVN |
Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng cùng các chân rết, các nhóm cực đoan thánh chiến tại Trung Đông, Bắc Phi cùng những “con sói đơn độc” ẩn mình đã trở thành thách thức đe dọa an ninh toàn cầu. Năm 2015, thế giới đã phải chứng kiến hàng loạt vụ tấn công khủng bố thảm khốc: vụ đánh bom máy bay dân dụng của Nga trên bầu trời Bán đảo Sinai của Ai Cập làm toàn bộ 224 người thiệt mạng, loạt vụ tấn công đẫm máu ở Paris (Pháp) cướp đi sinh mạng của khoảng 130 người và khiến 350 người bị thương…
Ngoài ra, một loạt con tin, trong đó có công dân phương Tây và binh sĩ Iraq, Syria,…bị IS hành quyết man rợ. IS, cùng với các nhóm cực đoan, cũng gia tăng hoạt động trên thực địa, đánh chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn tại Iraq, Syria và nhiều khu vực ở các nước Bắc Phi, bành trướng sang Libya...
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của IS đã tạo ra làn sóng người di cư khổng lồ từ Trung Đông, Bắc Phi sang châu Âu. Cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 này đã tạo ra những mối đe dọa về an ninh, xã hội và kinh tế đối với “Lục địa già”.
Trà trộn trong dòng người tị nạn là những đối tượng đã bị cực đoan hóa tìm đường vào châu Âu, âm thầm bén rễ và tiềm ẩn mối đe dọa an ninh trong nhiều năm tới. Giới chuyên gia cũng cảnh báo về nguy cơ IS “vươn vòi bạch tuộc” tới châu Á với những “điểm nóng” sẵn có ở Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc, Đông Nam Á,….
Đặc biệt, với các vụ tấn công kinh hoàng tại Paris tối 13/11, IS dường như đang quyết tâm trở thành một lực lượng thánh chiến có ảnh hưởng trên toàn cầu và đang âm mưu mở rộng phạm vi của cái gọi là “caliphate”- vương quốc Hồi giáo mà chúng tự dựng lên.
Trước mối đe dọa an ninh toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới đã thiết lập các liên minh chống khủng bố trên diện rộng, không còn giới hạn trong các vùng chiến sự ở Iraq và Syria. Mỹ dẫn đầu một liên minh với các chiến dịch không kích IS tại Syria và Iraq, trong khi Nga cũng triển khai các chiến dịch tương tự theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.
Sự can dự của Nga trong cuộc chiến chống IS tại Syria đã làm thay đổi cục diện của cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời khiến một số nước phải điều chỉnh chiến lược và thay đổi cách tiếp cận vấn đề này. Mỹ đã phải thừa nhận vai trò của Nga trong việc giải quyết các hồ sơ gai góc của quốc tế, trong đó có cuộc khủng hoảng Syria và cuộc chiến chống IS.
Sau các bước đi quyết đoán của Moskva, Washington cũng đã chấp thuận để Iran cùng ngồi vào bàn đàm phán hòa bình về Syria. Việc chấp nhận Iran ngồi vào bàn đàm phán chứng tỏ Mỹ đã thừa nhận thực tế rằng cuộc nội chiến đã kéo dài sang năm thứ 5 của Syria không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia của Tehran.
Các vụ tấn công đẫm máu tại Paris ngày 13/11 cũng đã khiến Nga và phương Tây xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến chống khủng bố bất chấp những bất đồng còn tồn tại xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi hình thành một liên minh rộng rãi chống IS với sự tham gia của cả Nga, đồng thời thuyết phục Washington và Moskva cùng hợp tác trong nỗ lực chung này.
Chính sách an ninh của Pháp cũng có xu hướng “cứng rắn” hơn khi Paris tăng cường các chiến dịch không kích tại Syria, bố ráp khủng bố trong nước, điều tàu sân bay Charles de Gaulle hiện đại tới Trung Đông tham gia chiến dịch tấn công IS. Sau Pháp, đến lượt Anh và Đức cũng tuyên bố tham gia các chiến dịch quân sự tại Trung Đông.
Trong bối cảnh đó, Saudi Arabia cũng dẫn đầu một liên minh gồm 34 quốc gia để đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố. Liên minh này được thành lập dựa trên nguyên tắc "tự vệ tập thể", hoạt động tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Phạm vi hoạt động của liên minh bao gồm cả khu vực Trung Đông và Bắc Phi nhằm giải quyết các mối đe dọa khủng bố từ Afghanistan tới an ninh ở châu Phi và Nam Á. Mục tiêu của liên minh không chỉ là IS mà cả lực lượng Hồi giáo cực đoan Boko Haram, mạng lưới al-Qaeda và các chi nhánh của các nhóm này trên toàn thế giới.
Rõ ràng, mối đe dọa an ninh toàn cầu của IS và các tổ chức khủng bố là nhân tố khiến các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt giữa các nước lớn, có sự điều chỉnh đáng kể trong năm 2015, tạo ra một xu hướng chung là “hợp tác trong bất đồng”, vì mục tiêu chung chống khủng bố.
Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các nước trong cuộc chiến chống khủng bố cho đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn do các nước chưa thực sự tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề bất đồng để tạo thành một mặt trận thống nhất, chặt chẽ.
Thế giới đã trải qua một năm không bình yên. Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, hơn bao giờ hết, các bên cần có sự nhượng bộ lẫn nhau, gạt bỏ những toan tính chiến lược riêng để cùng đồng lòng, hợp sức ngăn chặn hiệu quả mối đe dọa toàn cầu mang tên khủng bố.