Một ngày sau khi Mỹ và các đồng minh không kích nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon khẳng định mọi biện pháp chống các nhóm khủng bố ở Syria phải hoàn toàn tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, phù hợp với luật pháp nhân đạo quốc tế.
Cần cách tiếp cận đa chiều
Ông Ban Ki-moon đưa ra những bình luận trên trong bài phát biểu mở đầu tại một cuộc họp báo ngày 23/9 ở New York. Ông nói rõ: “Các bên có liên quan trong chiến dịch phải tuân theo luật nhân đạo quốc tế và thực hiện mọi biện pháp đề phòng để tránh và giảm tối đa thương vong cho dân thường”. Tổng thư ký cũng cho biết rằng các cuộc không kích không được thực hiện theo đề nghị trực tiếp của Syria dù có thông báo trước cho chính phủ nước này.
Tổng thống Mỹ Obama gặp đại diện 5 đồng minh Arab tham gia không kích khủng bố IS ở Syria.Ảnh: AFP - TTXVN |
Ngoài ra, ông Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh chống khủng bố ở Syria phải cần cách tiếp cận đa chiều để giải quyết rủi ro về an ninh, ngăn chặn tội ác và loại bỏ môi trường sinh sôi của khủng bố.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power đã gửi thư cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon để bảo vệ chiến dịch không kích IS ở Syria. Trong thư có viết: “Chính phủ Syria đã thể hiện rằng họ không thể và sẽ không đương đầu hiệu quả với những nơi trú ẩn an toàn của khủng bố”. Do đó, cần phải không kích để loại bỏ mối đe dọa cho Iraq, cho Mỹ và đồng minh. Phía Mỹ cho rằng cuộc không kích phù hợp với Điều 51 của Hiến chương LHQ nói về quyền phòng vệ tập thể hoặc cá nhân trước các cuộc tấn công vũ trang.
Sáng sớm ngày 23/9, Mỹ và các đồng minh Arab đã đưa dàn vũ khí tối tân đến không kích các mục tiêu của khủng bố ở Syria, tiêu diệt 20 tên khủng bố và phá hủy nhiều cơ sở vật chất của nhóm này.
Nghị quyết ngăn gia nhập khủng bố
Ngày mai, 26/9, Hạ viện Anh sẽ thảo luận kế hoạch không kích các mục tiêu IS tại Iraq. Trong khi đó, 4 máy bay chiến đấu F-16 của Hà Lan đang chuẩn bị gia nhập chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào khủng bố IS tại Iraq. |
Cuộc không kích vẫn còn “nóng hổi” của Mỹ và đồng minh tại Syria là chủ đề chính trong một cuộc họp của Đại hội đồng tại trụ sở LHQ ngày 24/9 (giờ Mỹ). Tổng thống Mỹ Barack Obama là một trong số những người phát biểu đầu tiên. Sau đó, ông chủ trì một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an nhằm thông qua một dự thảo nghị quyết ngăn chặn làn sóng tay súng nước ngoài tới Iraq và Syria. Đây mới là lần thứ hai Tổng thống Mỹ chủ trì một phiên họp của LHQ.
Theo dự thảo nói trên do Mỹ soạn thảo, các nước được yêu cầu thông qua luật coi việc gia nhập cuộc thánh chiến Hồi giáo ở Iraq và Syria là một tội nghiêm trọng. Nghị quyết kêu gọi mọi quốc gia ngăn chặn và cấm tuyển mộ cũng như mọi hình thức hỗ trợ các tay súng nước ngoài, đồng thời coi việc gây quỹ hay thu xếp chuyện đi lại cho các tay súng này là phạm pháp.
Dự thảo nghị quyết được đưa ra trong bối cảnh 12.000 tay súng nước ngoài thuộc 74 quốc gia đã tới Syria và Iraq để tham chiến với các nhóm khủng bố. Có tới 75% số tay súng nước ngoài là từ các nước Trung Đông, Arab. Còn tại châu Âu, số người tham gia các nhóm khủng bố ở Iraq và Syria đã nhảy vọt lên 3.000 trong vài tháng.
Thùy Dương