Theo phóng viên TTXVN tại Washington, đây là lần đầu tiên Mỹ công khai buộc tội Nga xâm nhập vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Mỹ. Các nhân viên an ninh của Mỹ trước đó đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ hệ thống này bị tấn công bởi các thế lực bên ngoài.
Bộ An ninh Nội địa và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố chiến dịch xâm nhập đa giai đoạn của "lực lượng hoạt động không gian mạng của Chính phủ Nga" đã nhằm vào mạng lưới các cơ sở thương mại nhỏ, phát tán phần mềm độc hại, lừa đảo và truy cập từ xa vào mạng lưới ngành năng lượng. Theo cảnh báo, bắt đầu từ tháng 3/2016 hoặc trước đó, các tin tặc Nga đã nhắm đến mục tiêu là các cơ quan chính phủ và các ngành cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, bao gồm năng lượng, hạt nhân, các cơ sở thương mại, nước, hàng không và sản xuất. Hiện vẫn chưa rõ mức độ ảnh hưởng của các cuộc tấn công mạng đối với mục tiêu là các công ty năng lượng và công nghiệp của Mỹ.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, các cơ sở năng lượng của Mỹ luôn là mục tiêu tấn công của các tin tặc. Trong một báo cáo công bố hồi năm ngoái, các chuyên gia của công ty an ninh mạng Symantec cho hay một nhóm tin tặc có tên Dragonfly đã tấn công một số công ty năng lượng tại Mỹ và châu Âu, và trong những lần "ghé thăm" này, Dragonfly đã xâm nhập thành công vào hệ thống máy chủ. Ngoài ra, Symantec cho biết các tin tặc đã từng sử dụng phương thức tấn công mạng bằng cách gửi thư chứa mã độc nhằm vào hệ thống máy tính của nhiều tổ chức tại Mỹ và một số nước châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ.
Hiện, Nga chưa đưa ra phản ứng trước thông tin trên, song trước đó Moskva luôn khẳng định nước này không liên quan đến các cuộc tấn công mạng. Hồi trung tuần tháng 2 vừa qua, Nga đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và Anh nói rằng Moskva đứng sau vụ tấn công bằng mã độc "NotPetya" năm 2017. Phía Nga cho rằng đây là động thái trong chiến dịch chống Nga mà một số nước phương Tây tiến hành.
Mã độc đòi tiền chuộc "NotPetya" hay "ExPetr" là thủ phạm gây ra vụ tấn công mạng toàn cầu hồi tháng 6/2017. Theo số liệu từ các hệ thống giám sát của Kasperksy Lab, đã có khoảng 2.000 cuộc tấn công liên quan đến ransomware mới này tính đến thời điểm hiện tại. Các tổ chức bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở Nga và Ukraine. Ngoài ra, Kaspersky Lab cũng ghi nhận các cuộc tấn công khác ở Ba Lan, Italy, Anh, Đức, Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng mục đích chính của vụ tấn công là cài phần mềm độc hại vào các máy tính của những cơ quan nhà nước và tổ chức thương mại Ukraine nhằm phá hoại ngầm những hệ thống này, không phải vì mục đích tống tiền.