Theo AFP, các nhà lãnh đạo EU ngày 10/3 sẽ tranh luận để tìm cách khẩn cấp giải quyết hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine, vốn đang gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của châu Âu và cho thấy nhu cầu nghiêm túc về năng lực quốc phòng mạnh mẽ hơn.
Hội nghị thượng đỉnh tại cung điện Versailles được coi là trọng tâm trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU kéo dài 6 tháng của Pháp, nhưng Tổng thống Emmanuel Macron thay vào đó sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng ở Ukraine, dẫn đến sự thay đổi cấu trúc an ninh sau nhiều thập kỷ ổn định ở châu Âu.
Bản dự thảo tuyên bố mới nhất của hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày nêu rõ: "Cuộc xung đột Nga-Ukraine tạo ra một sự thay đổi cấu trúc trong lịch sử châu Âu. Các nhà lãnh đạo EU sẽ tìm ra cách để thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong thực tế mới này, bảo vệ công dân, các giá trị, nền dân chủ và mô hình châu Âu".
Hội nghị của 27 nguyên thủ quốc gia và chính phủ các nước EU lần này diễn ra trong bối cảnh xung đột bùng phát sang ngày thứ 15 ở Ukraine, với hơn hai triệu người sơ tát không chỉ sang Ba Lan mà còn cả các nước trên khắp châu Âu.
Cuộc xung đột đã dẫn đến sự ủng hộ mạnh mẽ ở EU dành cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các nhà lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ xem xét nghiêm túc lời đề nghị nhanh chóng gia nhập EU của Kiev. "Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là gửi một thông điệp chính trị tới Ukraine rằng nước này thuộc về gia đình châu Âu", một quan chức Pháp cho biết.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao lưu ý chủ đề chính tại hội nghị thượng đỉnh lần này là khẩn trương tìm ra các cách thức để củng cố sự tự cường của châu Âu trong một thế giới ngày càng biến động hơn, đặc biệt là về năng lượng.
Cú sốc giá năng lượng do cuộc xung đột gây ra đã tác động tiêu cực đối với nền kinh tế EU đang phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Mặc dù các đồng minh phương Tây đã đưa ra những trừng phạt nhằm vào Nga, nhưng sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga đã gây ra chia rẽ trong phản ứng thống nhất của phương Tây liên quan đến Moskva, với việc EU vẫn né tránh lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga do Mỹ và Anh thực hiện.
EU nhập khẩu khoảng 40% khí đốt tự nhiên và 1/4 lượng dầu từ Nga. Theo dự thảo tuyên bố của cuộc họp, 27 nhà lãnh đạo sẽ thận trọng đồng ý "loại bỏ" sự phụ thuộc của khối vào khí đốt, dầu và than của Nga.
Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ tìm cách thúc đẩy các biện pháp nhằm xây dựng chủ quyền của mình trong các lĩnh vực rất nhạy cảm, bao gồm chất bán dẫn, sản xuất thực phẩm và đặc biệt là quốc phòng.
An ninh tập thể của EU chủ yếu do NATO với Mỹ dẫn đầu đảm nhận, nhưng Pháp, cường quốc quân sự lớn nhất của EU, muốn khối này đóng một vai trò lớn hơn.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, EU đã thông qua khoản viện trợ quốc phòng trị giá nửa tỷ Euro cho Ukraine. Đức cũng có thay đổi mang tính đột phá khi tuyên bố sẽ đầu tư 100 tỷ Euro vào quốc phòng.