Nếu giữ nguyên lãi suất, ECB sẽ chấm dứt chuỗi 10 đợt tăng lãi suất liên tiếp. Kể từ tháng 7/2022, thể chế này đã tăng lãi suất thêm 450 điểm cơ bản để hạn chế đà tăng của lạm phát do giá năng lượng tăng cao sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine.
Một bức tranh bi quan
Chu kỳ thắt chặt kéo dài đã nâng lãi suất tiền gửi chủ chốt của ECB lên mức 4%, mức cao nhất trong lịch sử ngân hàng. Kết quả là tình hình lạm phát của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) bắt đầu ổn định.
Chỉ số này đã giảm xuống mức 4,3% trong tháng Chín từ mức đỉnh hai chữ số vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, lạm phát 4,3% cao hơn gấp đôi mức mục tiêu 2% của ECB khiến chi phí đi vay tăng cao, đè nặng lên hệ thống tiền tệ châu Âu.
ECB đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Eurozone trong dự báo kinh tế tháng Chín, trong khi sự bùng nổ xung đột ở Trung Đông đã khiến bầu trời thêm u ám. Nhà phân tích Frederik Ducrozet của ngân hàng Pictet (Thụy Sỹ) cho biết các nhà hoạch định chính sách của ECB đang "theo dõi và quan sát". Những dự báo chính thức mới sẽ chỉ được công bố tại cuộc họp tiếp theo của ECB vào tháng 12.
Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế được công bố gần đây nhất đã vẽ ra một bức tranh bi quan về khu vực đồng euro và có thể khuyến khích các nhà hoạch định chính sách trì hoãn việc tăng lãi suất thêm.
ECB khó có thể nghĩ đến việc tăng lãi suất một lần nữa vào lúc này, "khi sự không chắc chắn về triển vọng toàn cầu ngày càng gia tăng", nhà phân tích Frederik Ducrozet cho biết.
Hoạt động kinh doanh của EU đã sụt giảm trong tháng 10, theo khảo sát Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) do S&P Global thực hiện, làm tăng khả năng khu vực này sẽ xảy ra suy thoái nhẹ vào nửa cuối năm 2023. Bên cạnh đó, cuộc khảo sát được công bố trong tuần này của ECB cũng cho thấy các ngân hàng trong Eurozone đang thắt chặt tiêu chí cho vay đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Nhà kinh tế Bert Colijn của ING cho biết: “Điều kiện kinh tế yếu hơn và lãi suất cao hơn đang có những tác động rõ ràng” và việc siết chặt vay mượn là một dấu hiệu cho thấy chính sách tiền tệ của ECB đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế.
Ông Colijn cho rằng đây là lý do chính đáng để ECB không tăng lãi suất thêm, "đặc biệt là khi bản thân ECB đự đoán rằng những tác động lớn nhất môi trường lãi suất cao hơn sẽ chỉ xuất hiện vào đầu năm 2024".
“Sự tạm dừng" tạm thời?
Nhà phân tích Ducrozet cho biết Hội đồng quản trị gồm 26 thành viên của ECB chắc chắn sẽ thảo luận về việc có giữ nguyên lãi suất hay không. Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã thừa nhận “nỗi đau” mà người tiêu dùng đang phải gánh chịu từ việc tăng lãi suất mạnh mẽ, nhưng bà cũng cảnh báo không nên nới lỏng quá sớm.
Theo những dự báo gần đây nhất, mặc dù lạm phát đã giảm nhưng ECB không kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% trước năm 2025. Các nhà phân tích sẽ lắng nghe những nhận xét của bà Lagarde sau khi có quyết định lãi suất để tìm hiểu về các động thái tiếp theo của ECB.
Chuyên gia Jack Allen-Reynolds của tổ chức nghiên cứu Capital Economics cho biết kể cả ECB có giữ nguyên lãi suất thì khả năng lãi suất được tăng cao trong tương lai vẫn sẽ xảy ra.
Chuyên gia này cho rằng việc giữ lãi suất ở mức hiện tại có thể được coi là một "sự tạm dừng" tạm thời. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Ducrozet của Pictet, câu hỏi hiện nay là " lãi suất chính sách sẽ được duy trì ở mức hiện tại trong bao lâu?".