Kênh CNN (Mỹ) dẫn lời cảnh sát địa phương cho biết sáng 28/6, ông chủ mỏ tại tỉnh Gweru người Trung Quốc Zhang Xuen đã nổ súng bắn một nhân viên Zimbabwe tới 5 lần và khiến một nhân viên khác bị thương.
Đại diện cảnh sát Zimbabwe cho biết ông Zhang Xuen bị khởi tố vì tội cố ý giết người và sẽ bị giam cho đến ngày 7/7.
Theo lời khai, thợ mỏ Kenneth Tachiona đã đối chất với Zhang do ông này không trả lương bằng tiền USD Mỹ như đã thỏa thuận từ trước. Xảy ra cự cãi và ông Zhang rút súng bắn thợ mỏ Tachiona 3 phát đạn vào đùi phải và 2 phát vào đùi trái.
Cảnh sát cho biết Zhang còn nổ súng vào những nhân viên khác. Một thợ mỏ khác bị trúng đạn vào cằm. Người này đang được điều trị trong bệnh viện.
Video được cho ghi lại hình ảnh về vụ việc đã xuất hiện trên mạng xã hội Zimbabwe khiến dư luận nước này bất bình và đề nghị đánh giá lại các nhà thầu Trung Quốc đang khai thác mỏ khoáng sản ở Zimbabwe.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Zimbabwe miêu tả vụ nổ súng là tai nạn và cho biết đã hỗ trợ cơ quan chức năng địa phương trong điều tra.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Zimbabwe tuyên bố trên mạng xã hội Twitter: “Không nên bảo vệ các hành vi phạm pháp và bất cứ cá nhân nào vi phạm pháp luật. Trung Quốc và Zimbabwe có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu năm”.
Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Zimbabwe và họ quan tâm đặc biệt vào lĩnh vực khai khoáng. Năm 2019, công ty Trung Quốc Tsignchan đã ký một thỏa thuận 2 tỷ USD với Bộ Khai thác Mỏ Zimbabwe để khai thác nhôm, than, quặng sắt, nickel… cho Trung Quốc.
Theo thống kê năm 2016 của Viện Brookings (Mỹ), có trên 10.000 người Trung Quốc sống tại Zimbabwe, nhiều trong số họ làm việc trong lĩnh vực xây dựng, viễn thông và khai khoáng. Tuy nhiên, sự hiện diện của những người Trung Quốc này tại Zimbabwe đã gây nhiều tranh cãi.
Có nghi ngờ cho rằng các đơn vị khai khoáng Trung Quốc vi phạm nhân quyền và chỉ áp dụng những biện pháp an toàn lỏng lẻo đối với nhân viên.
Trong tháng 2, một nhóm thợ mỏ tại tỉnh Nam Matabeleland đã đệ đơn kiện lên tòa án phản đối việc bị công ty Trung Quốc sa thải. Tháng 4/2019, nhiều lao động làm việc cho nhà thầu Trung Quốc tại tỉnh này cũng than phiền vì việc nhận lương chậm và không có quần áo bảo hộ.
Nhiều trường hợp khác, công ty Trung Quốc còn từ chối trả lương hoặc cung cấp quần áo bảo hộ cho nhân viên của họ, đặc biệt trong thời gian dịch COVID-19 lây lan. Hiệp hội Luật Môi trường Zimbabwe (ZELA) đã điều tra cáo buộc này. Phó giám đốc ZELA Shamiso Mutisi nói: “Có những trường hợp chủ khai thác Trung Quốc đánh đập, bạo hành và phân biệt chủng tộc với thợ mỏ Zimbabwe”.
ZELA vào ngày 24/6 cho biết nhiều người lao động địa phương phải làm việc trong tình trạng nhiều nguy hiểm tại các mỏ khai khoáng của công ty Trung Quốc, họ thậm chí còn nhận lương rất nghèo nàn.
Theo ZELA, vụ nổ súng ngày 28/6 là lý do để Chính phủ Zimbabwe suy xét lại về cam kết chính trị và kinh tế với Trung Quốc.
Cộng đồng người Trung Quốc tại Gweru cho biết họ sẽ trả viện phí cho thợ mỏ địa phương bị thương và hỗ trợ thân nhân 2 thợ mỏ trong vụ việc. Họ còn nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng sự hợp tác và tình hữu nghị giữa hai quốc gia, người dân hai nước sẽ không bị ảnh hưởng bởi vụ việc vốn không đại diện cho cả cộng đồng người Trung Quốc”.