Khi giá các mặt loại lương thực thiết yếu tăng mạnh, các chính phủ đang bắt đầu thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung trong nước và kiểm soát giá cả. Trong số các nước này, Moldova, Hungary và Serbia đã cấm xuất khẩu một số ngũ cốc, trong khi Indonesia sẽ tăng cường kiểm soát hoạt động xuất khẩu dầu cọ.
Đó là điều gây lo ngại cho các nước nhập khẩu, đặc biệt là những nước nghèo ở những khu vực như Bắc Phi, vốn phụ thuộc vào các nguồn cung bên ngoài. Khi các cảng của Ukraine đóng cửa và một số nhà giao dịch tránh Nga, việc nhập khẩu ngũ cốc sẽ khó khăn và tốn kém hơn. Giá lượng thực rất có thể sẽ còn tăng thêm, khiến số người đói nhiều hơn.
Các biện pháp bảo hộ đã gia tăng trong những năm gần đây, khi đại dịch gây lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá cao. Tốc độ và mức độ gia tăng của giá ngũ cốc mạnh hơn trong thời điểm này.
Các nước khác gần đây cũng thực hiện biện pháp ứng phó là Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, với việc tăng cường kiểm soát các sản phẩm trong nước. Ngày 10/3, Ai Cập đã cấm xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu như bột mỳ, đậu lăng, lúa mỳ và mỳ sợi trong ba tháng.
Nga, quốc gia đã đánh thuế xuất khẩu ngũ cốc trong năm ngoái và định kỳ đặt ra các hạn ngạch, cũng hối thúc các nhà sản xuất phân bón dừng xuất khẩu, điều đang đe dọa khiến chi phí sản xuất của người nông dân trên toàn cầu tăng thêm. Trong tuần này, Nga đã tạm thời cấm xuất khẩu ngũ cốc tới Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Tổ chức Nông-Lương Liệp hợp quốc cho rằng, trước khi thực hiện bất kỳ biện pháp nào nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực, các chính phủ cần cân nhắc những tác động có thể có đến thị trường quốc tế.