Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin trên. Thông báo của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về những chiến lược chung chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq. Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận về hành động của YPG, một nhóm vũ trang người Kurd được Mỹ ủng hộ song bị Ankara xem là lực lượng thù địch, tại Syria và Iraq cũng như nguy cơ xảy ra đụng độ phe phái trong khu vực.
Cuộc gặp trên diễn ra vài giờ sau khi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một liên minh các tay súng người Kurd-Arab được Mỹ hậu thuẫn, đã thông báo chính thức phát động chiến dịch quân sự nhằm vào thành phố Raqa, thành trì của IS tại Syria.
Theo đó, cuộc tấn công đã được bắt đầu từ tối 5/11 với sự tham gia của khoảng 30.000 tay súng. Chiến dịch tấn công Raqa sẽ được triển khai thành 2 giai đoạn, bao gồm chiếm lấy các khu vực xung quanh Raqa và cô lập thành phố, sau đó là giành quyền kiểm soát toàn bộ thành phố này. SDF và Mỹ đều nhất trí Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng được Ankara hậu thuẫn sẽ không đóng bất cứ vai trò nào trong chiến dịch tái chiếm Raqa.
Cùng ngày 6/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết hiện lực lượng đối lập tại Syria được Ankara hậu thuẫn đang tiếp tục siết chặt vòng vây xung quanh thị trấn miền Bắc al-Bab và đang lên kế hoạch đẩy mạnh chiến dịch tấn công IS về phía Nam.
Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan cũng cáo buộc phương Tây đang hỗ trợ vũ khí và đạn dược cho lực lượng đảng Công nhân người Kurd (PKK) - vốn bị Mỹ, Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố, đồng thời cảnh báo điều này có thể sẽ gây hại cho các quốc gia phương Tây trong tương lai.