Vấn đề tranh chấp Kashmir lại nóng lên trong thời gian gần đây. Cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Kashmir và trong vòng 7 thập niên giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á này đã có nhiều đụng độ ở khu vực nói trên. Ranh giới Kiểm Soát (LoC) đã được thiết lập để chia Kashmir thành hai vùng riêng rẽ do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát.
Ngày 5/8, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố sẽ bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp pháp về việc trao quyền tự trị đặc biệt cho Kashmir, vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Điều này đồng nghĩa với việc khu vực có đa số người dân theo đạo Hồi này sẽ nằm trực tiếp dưới sự kiểm soát của Ấn Độ.
Ngoại trưởng Pakistan đã đích thân đến Bắc Kinh để thảo luận về khủng hoảng Kashmir trong khi người đồng cấp Ấn Độ cũng làm điều tương tự vào ngày 11/8.
Kênh RT (Nga) cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng 7 từng đề nghị hỗ trợ giải quyết tình hình nhưng không được đón nhận. Trong khi đó, nỗ lực của Thủ tướng Pakistan Imran Khan kéo các quốc gia Vùng Vịnh về cùng phe không đạt hiệu quả. Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đều coi Kashmir là vấn đề riêng của Ấn Độ và Pakistan nên chủ trương không can thiệp.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc lại có quan điểm khác. Nhà chiến lược Andrew Leung chia sẻ với RT rằng theo Bắc Kinh, việc đứng ngoài tranh chấp Kashmir có thể khiến tình thế nguy hiểm thêm bùng phát. Ông Leung nói: “Bất cứ xung đột nào giữa Pakistan và Ấn Độ, hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đều có thể gây bất ổn đối với Trung Quốc".
Nhà địa chiến lược Brahma Chellaney cho rằng Trung Quốc có chung biên giới với Ấn Độ, đồng thời cũng tự nhận có chủ quyền với một diện tích nhỏ tại Kashmir. Điều này khiến Trung Quốc không phải "người ngoài cuộc" mà cũng nằm trong nhóm tranh chấp Kashmir.
Giáo sư Sreeram Chaulia tại Đại học Jindal toàn cầu phân tích: “Ấn Độ sở hữu nền kinh tế và quân sự lớn hơn Pakistan. Do vậy, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thâm hụt cán cân quyền lực trong trường hợp Pakistan thua trong xung đột với Ấn Độ. Chính vì thế, Trung Quốc sẽ bí mật khuyên nhủ Islamabad hạ giọng về vấn đề Kashmir”. Pakistan đã dùng kênh ngoại giao để đáp trả lại tranh chấp Kashmir với Ấn Độ, trục xuất đại sứ, cắt đứt quan hệ thương mại song phương và đường vận chuyển xuyên biên giới.
Chuyên gia Iftikhar Lodhi tại Đại học Nazarbayev (Kazakhstan) dự đoán động thái tiếp theo cả Trung Quốc là đề xuất một nghị quyết với Liên hợp quốc.
Bắc Kinh cũng có lý do về kinh tế để tìm cách xoa dịu căng thẳng trong khu vực. Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) là dự án cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Bắc Kinh. CPEC bao gồm đường cao tốc, đường ray tàu hỏa, cảng biển và nhà máy năng lượng. Hành lang kinh tế này sẽ nối Trung Quốc với các cảng biển Pakistan, tuyến đường chính để chuyển khoáng sản từ châu Phi tới Trung Quốc.
Ông Leung đánh giá: “Bất ổn trong khu vực chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan”. Và đó là lý do, Trung Quốc sẽ sớm có những bước đi liên quan tới căng thẳng hiện nay giữa Pakistan và Ấn Độ.