Chủ trì buổi họp báo ngày 16/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Đình Tiến và các chuyên gia khoa học của Việt Nam đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên về những ảnh hưởng của sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) tới Việt Nam cũng như làm rõ một số thông tin liên quan đến việc Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Chưa bị ảnh hưởng từ Fukushima
Đề cập tới khả năng Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản có ảnh hưởng tới Việt Nam hay không, Tiến sỹ Đặng Thanh Lương - Cục phó Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN) cho biết: Hiện đám mây phóng xạ tại Nhật Bản đang bay về hướng đông bắc ra biển và không có xu hướng bay xuống khu vực ở Việt Nam. “Chúng tôi có 1 trạm quan trắc phóng xạ hoạt động 24/24 giờ tại Hà Nội, bức xạ ở Hà Nội hiện vẫn ở mức bình thường. Hai trạm quốc gia cũng đo mẫu phóng xạ trong không khí và không thấy xuất hiện số liệu bất bình thường. Hiện trên lãnh thổ chúng ta chưa có ảnh hưởng từ sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Nhật, ông Lương nói.
Ảnh vệ tinh chụp nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Nhật. Lò phản ứng số 3 bốc khói trong vụ nổ hôm 14/3 |
Đại diện Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho hay: Các trạm quan trắc của Việt Nam vẫn đang hoạt động bình thường. Viện Năng lượng đã đề nghị tăng tần suất lấy mẫu để đo đạc nhưng cho đến thời điểm này các trạm báo cáo vẫn cho thấy không có gì đột biến. Các trạm luôn trong trạng thái hoạt động để sẵn sàng có cảnh báo sớm cho cán bộ, người dân.
Công nghệ tiên tiến hơn, sẽ an toàn hơn
Ngay sau khi xảy ra sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong đã quyết định thành lập Tổ công tác của Bộ KH&CN gồm các nhà quản lý và chuyên gia của Bộ để thường xuyên theo dõi diễn biến sự cố, trực tiếp trao đổi với đại diện Công ty phát triển điện hạt nhân quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế và trong nước để kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin, bảo đảm cung cấp thông tin cho các ngành, các cấp và xã hội kịp thời và chính xác về sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 ở Nhật Bản.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, lò phản ứng số 1 và 3 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima được xây dựng vào những năm 1960, thuộc loại lò thế hệ công nghệ cũ (khoảng cuối thế hệ 1, đầu thế hệ 2) nên có nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật. Khi xảy ra sự cố, các hệ thống dừng lò khẩn cấp của Fukushima đã hoạt động đúng theo chức năng được thiết kế. Máy phát điện diesel dự phòng đã hoạt động ngay sau khi mất điện để cung cấp điện cho hệ thống làm mát khẩn cấp. Nhưng do xảy ra sóng thần nên đã làm tê liệt máy phát điện, gây ra sự cố. Do đó, để khởi động hệ thống an toàn cần sự can thiệp của con người.
Xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một trong những sự lựa chọn đúng đắn để phát triển nền kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng. Tuy nhiên, sau sự cố ở các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản, dư luận băn khoăn liệu xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam có đảm bảo an toàn? Về vấn đề này, ông Vương Hữu Tấn khẳng định: “Hiện nay, công nghệ xây dựng lò phản ứng hạt nhân đã rất hiện đại. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu tiếp để có tư vấn tốt cho Chính phủ khi xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam nên lựa chọn công nghệ thế hệ thứ 3 hoặc 3+ để bảo đảm an toàn hơn".
Có các phương án đảm bảo an toàn
Theo Tiến sỹ Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, tại Việt Nam, mặc dù khả năng xảy ra động đất không lớn như ở Nhật Bản nhưng nếu xây dựng các nhà máy điện hạt nhân cũng phải rất quan tâm đến việc đảm bảo an toàn khi vận hành. Phải chú trọng cả yếu tố công nghệ và yếu tố con người. Theo ông Nhân, nếu đội ngũ chuyên gia không được đào tạo bài bản thì việc vận hành cũng như xử lý các sự cố sẽ rất khó khăn. Cần có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành, bảo dưỡng, xây dựng nhà máy điện hạt nhân để bảo đảm an toàn.
Liên quan tới câu hỏi về việc Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được thiết kế chống động đất ở cấp độ bao nhiêu, ông Tấn cho hay phải căn cứ vào tình hình thực tế xem tiêu chí động đất ở khu vực ấy liệu lên đến cường độ bao nhiêu. Bộ KH&CN đã xây dựng Thông tư liên quan đến địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và đang xin ý kiến các bộ, ngành.
Đại diện Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam nhấn mạnh: Để đảm bảo an toàn, khi lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ xem xét những yêu cầu như: Hoạt động của tự nhiên (sóng thần, động đất, núi lửa…), hoạt động của con người gây ảnh hưởng đến nhà máy và nhà máy liệu có ảnh hưởng đến người dân hay không.
Hiện nay ở Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đang xây dựng Thông tư hướng dẫn các tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố. Theo đó, các tỉnh cần phải rất chú trọng tăng cường giải quyết vấn đề này, đặc biệt là các tỉnh có biên giới với các nước có xây dựng các nhà máy điện hạt nhân xung quanh chúng ta.
Minh Phương