Cảnh sát gác tại hiện trường vụ đánh bom ở Surabaya, Indonesia ngày 13/5. Ảnh: THX/TTXVN |
Chuyên gia, điều phối viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi) Beni Sukadis nhận định rằng giáo dục tư tưởng là điểm mấu chốt chống khủng bố.
Ông Beni Sukadis cho biết các cuộc khủng bố liên tiếp diễn ra tại Indonesia thời gian qua cho thấy tình trạng an ninh đang ở mức đáng báo động, mặc dù các lực lượng an ninh đã tăng cường các biện pháp bảo vệ trước khi bước vào tháng ăn chay Ramadan. Các vụ đánh bom liên tiếp ở thành phố Surabaya cũng như vụ bạo động tại nhà tù ở thị trấn Depok trước đó có liên quan đến các tổ chức Hồi giáo cực đoan tại Indonesia trung thành với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Điều đặc biệt nghiêm trọng là trong các vụ tấn công này, các đối tượng khủng bố là thành viên của các gia đình, nhiều trẻ em cũng đã bị lôi kéo tham gia.
Theo ông Sukadis, tư tưởng cực đoan đã thấm sâu vào các đối tượng tấn công khủng bố và không dễ ngăn chặn được các đối tượng này. Tuy nhiên, ông Sukadis cho rằng mặc dù không thể dẹp bỏ hoàn toàn được các tư tưởng cực đoan này, nhưng có thể giảm thiểu bằng các biện pháp kinh tế xã hội, giáo dục, tuyên truyền rộng rãi…
Chuyên gia này cho rằng Indonesia cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào kinh tế-xã hội, giáo dục đào tạo, truyền thông, các lực lượng làm công tác đấu tranh chống khủng bố. Một trong các giải pháp này là phương pháp giáo dục trẻ em trong các gia đình, điều này thể hiện vai trò quan trọng của các bậc phụ huynh, hàng xóm, cộng đồng… và đặc biệt là ở các trường học. Đây là cuộc đấu tranh đòi hỏi nỗ lực của toàn thể chính quyền cũng như người dân Indonesia.
Ngoài ra, ông Sukadis cũng bày tỏ sự ủng hộ việc Chính phủ Indonesia ban hành Luật chống khủng bố, theo đó, quân đội sẽ cùng với lực lượng cảnh sát hoạt động tích cực trong cuộc đấu tranh phòng chống khủng bố vốn đang rất phức tạp. Bên cạnh đó, chuyên gia của Lesperssi này cho rằng Chính phủ Indonesia cần hợp tác với chính phủ các quốc gia thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bởi khủng bố thực sự đã trở thành vấn đề của khu vực, có liên quan đến nhiều quốc gia ASEAN trong đó có các cơ quan xuất nhập cảnh, lực lượng chống khủng bố.