Ngày 13/2, nhà kinh tế người Mỹ Jeffrey Sachs đánh giá Mỹ và Trung Quốc đang ở trong tư thế “va chạm rất nguy hiểm”, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho phần còn lại của thế giới.
Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh hai cường quốc này đang tranh cãi và đổ lỗi cho lẫn nhau về những khinh khí cầu tầm cao trên không phận của đối phương. Washington gần đây đã cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các khí cầu để thu thập dữ liệu tình báo của các quốc gia trên khắp 5 châu lục.
“Hãy coi Ukraine như một dấu hiệu cảnh báo. Chúng ta cần Trung Quốc và Mỹ nói chuyện với nhau, đàm phán với nhau, đối thoại với nhau. Điều đó không xảy ra ngay bây giờ”, Tiến sĩ Sachs, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững tại Đại học Columbia nói.
Tiến sĩ Sachs cho biết xung đột địa chính trị giữa những quốc gia lớn mạnh hàng đầu có thể buộc các bên không liên quan phải chọn bên đứng, dẫn đến những mối quan hệ căng thẳng. Ông kêu gọi các nước, trong đó có những thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tăng cường hành động để ngăn chặn các kịch bản xấu có thể xảy ra.
“Vì vậy, tôi hy vọng rằng ASEAN với tư cách là một nhóm có thể nói với Mỹ và Trung Quốc rằng: ‘Đừng bắt chúng tôi phải lựa chọn. Nếu phải lựa chọn, chúng tôi muốn có quan hệ tốt đẹp với cả hai bên. Chúng tôi không muốn lựa chọn’”, Tiến sĩ Sachs phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới tại Dubai.
Hội nghị này tập hợp các nhà lãnh đạo, các chuyên gia toàn cầu cùng những người ra quyết định từ khắp nơi trên thế giới để chia sẻ và phát triển nhiều chính sách cần thiết trong việc định hình các chính phủ tương lai.
“Phần còn lại của thế giới phải nói rất rõ ràng rằng họ không muốn bị kéo vào các cuộc xung đột, hoặc tốt hơn hết là ngừng các cuộc xung đột bởi vì hai cường quốc lớn có thể hợp tác với nhau và tránh xung đột”, Tiến sĩ Sachs nói.
Ông tin rằng cách tiếp cận trên thậm chí có thể giúp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Theo ông, các cường quốc bên ngoài cuộc xung đột có thể bước lên và kêu gọi chấm dứt nó.
Nhà kinh tế Jeffrey Sachs cho rằng Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia là một số quốc gia có thể lên tiếng bày tỏ mối quan ngại của họ về cuộc chiến ở Ukraine.
“Vì vậy, tôi đang tìm kiếm tiếng nói của những quốc gia không tham gia trực tiếp vào xung đột. Chúng ta đã nghe từ Mỹ, chúng tôi đã nghe từ Anh, chúng ta đã nghe từ Liên minh châu Âu (EU). Chúng tôi đã nghe từ Nga, chúng ta đã nghe từ Ukraine, nhưng phần lớn thế giới vẫn đứng bên lề”, ông nhấn mạnh.
Nhà kinh tế này tin tưởng nếu những quốc gia còn lại đứng lên nói rằng cuộc xung đột Nga – Ukraine đang tàn phá tất cả các bên thì nó sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn.
Về cuộc chiến ở Ukraine, Tiến sĩ Sachs cho biết cả hai bên cần thương thảo với nhau. Ông nói thêm rằng hai bên trong đó có liên minh do Mỹ dẫn đầu và Nga đã không ngồi đàm phán với nhau, và điều đó gây bất ổn cho toàn thế giới.
Tiến sĩ Sachs kết luận: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà địa chính trị thực sự thống trị nền kinh tế toàn cầu. Và chừng nào địa chính trị còn đầy chia rẽ như hiện nay, thật khó để tin rằng chúng ta sẽ có bất kỳ sự thuận buồm xuôi gió nào về mặt kinh tế”.
Đầu tháng 2, Bộ chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) đã phát hiện và bắn hạ một khinh khí cầu trên Đại Tây Dương bị nghi ngờ là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc. Cũng trong tuần đó, Mỹ đã phát hiện và bắn hạ một vật thể khác bay qua Alaska, Yukon (Canada) và hồ Huron.
Chỉ trong vòng 8 ngày, Mỹ đã bắn hạ 4 vật thể bay liên tiếp. Các quan chức Lầu Năm Góc tin rằng tình trạng này là chưa từng có tiền lệ trong thời bình.
Về phần mình, Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc hoạt động do thám, nhấn mạnh đó chỉ là khí cầu làm nhiệm vụ dân sự đã đi chệch hướng do hướng gió. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án việc Washington sử dụng vụ việc để tấn công và bôi nhọ Trung Quốc.
Ngày 13/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân đã lên tiếng cáo buộc các khí cầu tầm cao của Washington nhiều lần đi vào không phận của Bắc Kinh mà không xin phép. Theo quan chức trên, tính từ tháng 1/2022 đến nay, đã xảy ra ít nhất 10 vụ khí cầu Mỹ xâm phạm không phận.