Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN thường trú tại Malaysia, Tiến sĩ Hoo Chiew Ping, giảng viên cao cấp về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Malaysia, cho biết bà đồng ý với hai tác giả của cuốn “Phép màu ASEAN: Chất xúc tác cho hòa bình” là Kishore Mahbubani và Jeffrey Sng rằng "phép màu ASEAN" có thể được công nhận trong 3 lĩnh vực chính.
Thứ nhất, các quốc gia ASEAN vô cùng đa dạng nhưng lại có thể hài hòa sự đa dạng của mình thông qua ASEAN. Thứ hai, với vai trò là một tổ chức khu vực, ASEAN đã vươn lên từ một trong những khu vực nghèo khó nhất trong thời kỳ hậu chiến tranh để trở thành nền kinh tế sôi động nhất trong thế kỷ 21. Thứ ba, ASEAN đã phát triển từ chủ nghĩa bi quan địa chính trị trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh đến việc đặt nền móng cho cấu trúc an ninh khu vực dựa trên các nền tảng của ASEAN. Nói cách khác, ASEAN đã vươn lên từ biến động địa chính trị đến ổn định khu vực.
Trong quá trình phát triển, dựa trên tôn chỉ lấy đối thoại và hợp tác làm kim chỉ nam cho quan hệ đối ngoại, quan hệ đối ngoại của ASEAN liên tục được mở rộng và đi vào chiều sâu thông qua các khuôn khổ ASEAN+1 (khuôn khổ hợp tác song phương của ASEAN với từng đối tác bên ngoài), ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)… Tiến sĩ Hoo Chiew Ping cho rằng quan hệ đối tác bên ngoài của ASEAN luôn diễn ra rất tốt do các nền tảng của ASEAN liên quan đến các diễn đàn đa phương. Coi ASEAN như một thực thể thống nhất có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý các mối quan hệ đối tác bên ngoài. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác là tiêu chí cơ bản của quan hệ đối tác ASEAN. Do đó, các bên ký kết TAC làm nòng cốt trong quan hệ đối ngoại của ASEAN và các nền tảng ASEAN được hiểu là thúc đẩy hợp tác thay vì được sử dụng như một công cụ để chống lại các cường quốc cạnh tranh khác.
Tiến sĩ Hoo Chiew Ping nhấn mạnh ASEAN là duy nhất bởi vì khối này không gây ra tranh cãi khi tạo dựng hợp tác giữa các cường quốc cạnh tranh. Ví dụ, các cuộc tập trận hàng hải giữa Mỹ - ASEAN và Trung Quốc - ASEAN trong hợp tác quân sự, và các hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Nhật Bản và ASEAN - Hàn Quốc góp phần bổ sung cho hợp tác ASEAN+3. Hợp tác bổ sung là một trong những thế mạnh của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác với bất kỳ cường quốc nào khác, sẽ mang lại cho ASEAN lợi thế trong kỷ nguyên cạnh tranh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trật tự sau đại dịch COVID-19.
Băn khoăn trước thực trạng ASEAN tuy là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với tổng GDP năm 2018 đạt khoảng 3.000 tỷ USD, nhưng thương mại nội khối chỉ chiếm khoảng 23%, còn tương đối thấp so với các khu vực khác, Tiến sĩ Hoo Chiew Ping cho rằng những khó khăn nổi cộm của hội nhập kinh tế ASEAN bao gồm thiếu cơ chế nội bộ trong việc tăng cường bổ trợ kinh tế giữa các quốc gia, các mức độ mở cửa kinh tế khác nhau và tiến bộ công nghệ khác nhau của các quốc gia thành viên.
Để đạt được mục tiêu tăng gấp đôi thương mại nội khối vào năm 2025, cộng đồng kinh tế ASEAN nên kết nối kinh tế với nhau thông qua việc các nước phát triển hơn đầu tư vào các ngành công nghiệp của các nền kinh tế kém phát triển hơn, khuyến khích mở cửa bằng cách tạo ra mạng lưới sản xuất và cung ứng trong khu vực, trong đó tập trung vào lợi thế so sánh của mỗi quốc gia và tăng đầu tư trực tiếp của các tập đoàn khu vực để thúc đẩy hội nhập thị trường khu vực.
Bên cạnh đó, ý tưởng tạo ra một thương hiệu như "Made in ASEAN" có thể khuyến khích hợp tác kinh tế và thương mại nội khối. Vì vậy, chính phủ các quốc gia thành viên cần khuyến khích đầu tư tư nhân. Ngoài ra, còn có vấn đề về rào cản kỹ thuật trong thương mại nội khối. Các biện pháp nên được thực hiện để giải quyết hài hòa các tiêu chuẩn giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Chương trình nghị sự hội nhập thương mại nên được các quốc gia thành viên thực hiện nghiêm túc hơn, tương tự như việc họ tập trung vào thương mại ngoài khu vực.