Chuyên gia Mỹ kêu gọi xem xét đề nghị đối thoại của Triều Tiên

Một chuyên gia Mỹ kêu gọi xem xét nghiêm túc đề xuất của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un về việc tổ chức đối thoại quân sự liên Triều.

Một đoàn nghệ thuật Triều Tiên tham gia lễ diễu hành mừng Đại hội Đảng trên Quảng trường Kim Nhật Thành ngày 10/5. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, tại một cuộc thảo luận ngày 10/5, Robert Carlin, chuyên gia Mỹ tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Stanford, kêu gọi xem xét nghiêm túc đề xuất của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un về việc tổ chức đối thoại quân sự liên Triều, cho rằng điều này mở ra cơ hội kiểm soát căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên trước thềm cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn vào tháng 8 tới.

Đề xuất đối thoại trên được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đưa ra tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên cuối tuần qua. Ông Kim Jong Un cho rằng hai miền Triều Tiên có thể tận dụng các cuộc đối thoại để thảo luận cách thức loại bỏ nguy cơ đụng độ biên giới, làm dịu căng thẳng và thúc đẩy các vấn đề khác cùng quan tâm. Phía Hàn Quốc đã lập tức bác bỏ đề xuất này, cho rằng thiếu chân thành và vô nghĩa nếu Triều Tiên vẫn đẩy mạnh chương trình tên lửa và hạt nhân. Seoul hối thúc Bình Nhưỡng trước tiên cần chấm dứt các hành vi khiêu khích và quay trở lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân đang ngưng trệ.

Phát biểu tại một cuộc thảo luận do trang web " Bắc" của Viện Mỹ-Triều thuộc Đại học John Hopkin tổ chức, chuyên gia Carlin nhận định đề xuất của ông Kim Jong Un có thể là "ý định của cá nhân nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn mở ra cánh cửa với phía Hàn Quốc" và cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên thường leo thang trong thời gian diễn ra các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ. Bình Nhưỡng phản ứng mạnh mẽ và cho rằng các cuộc tập trận này là một hình thức diễn tập hành động xâm lược, trong khi Seoul và Washington khẳng định đây là các cuộc diễn tập phòng vệ thường kỳ.

TTXVN/Tin Tức
Triều Tiên trước ngưỡng cửa mới
Triều Tiên trước ngưỡng cửa mới

Chính sách phát triển kinh tế song song với vũ khí hạt nhân được coi là điểm mới so với chính sách trước đây của Bình Nhưỡng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN