Chuyên gia Mỹ nhận định COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu vào cuối năm 2022

Tiến sĩ Ezekiel Emanuel, chuyên gia từng làm việc tại một ban cố vấn về dịch bệnh COVID-19 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã đưa ra nhận định nêu trên vào ngày 9/1, bất chấp việc Mỹ liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao trong thời gian gần đây. 

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 22/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo Tiến sĩ Emanuel, vào cuối năm nay, COVID-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu, điều này đồng nghĩa với việc dịch bệnh trở nên ổn định hơn và có thể dự báo. Chuyên gia này nhấn mạnh hiện nước Mỹ vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang tiếp tục lây lan mạnh. Tuy nhiên, ông Emanuel cho rằng căn bệnh sẽ trở thành bệnh đặc hữu trong năm nay, theo đó ông đề xuất nước Mỹ cần chuẩn bị một kế hoạch chiến lược cho giai đoạn này, đó là vaccine và tăng số người tiêm chủng. 

Ngoài ra, Tiến sĩ Emanuel cũng cho rằng các biện pháp điều trị mới cũng như các biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm khác sẽ đóng vai trò trong việc giúp virus trở nên dễ kiểm soát hơn. Để làm được điều này, ông nhấn mạnh cần cải thiện hệ thống thông gió, có thêm nhiều liệu pháp điều trị hơn nữa, kịp thời điều trị bệnh nhân sau khi phát hiện dương tính trong vòng 3 ngày, và thực hiện các biện pháp này không chỉ đối với những người giàu có và khá giả. Theo ông Emanuel, đây là những việc cần làm trong vòng 3 tháng tới để chuẩn bị cho kịch bản COVID-19 tồn tại trong không khí giống như virus hợp bào hô hấp (RSV), một loại virus gây bệnh hô hấp khác, cũng như tất cả các virus gây bệnh hô hấp khác. 

Mỹ ngày 8/1 đã ghi nhận 900.832 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao thứ 2 kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. Trước đó, vào ngày 3/1, Mỹ ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm mới trong 24 giờ, mức cao nhất từ trước đến nay. Theo dữ liệu phân tích của trang mạng DailyMail.com, số ca nhiễm mới theo ngày tại Mỹ trung bình trong 7 ngày tính đến ngày 9/1 là 786.824 ca, tăng 18%. Việc số ca mắc mới tăng cao đã gây ra tình trạng thiếu hụt nhân viên trong các lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ trên cả nước với khoảng 5 triệu nhân viên trong ngành cảnh sát và cứu hỏa mắc COVID-19. 

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng số ca bệnh tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên trong một vài tuần tới trước khi làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra đạt đỉnh vào cuối tháng 1 này. Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia, cho rằng Mỹ có thể chứng kiến hơn 1 triệu ca nhiễm mới mỗi ngày trong những tuần tới. 

Về vấn đề tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Tiến sĩ Emanuel cho biết khoảng 60% người dân Mỹ đã tự nguyện tiêm vaccine, chủ yếu là từ sau khi quy định tiêm chủng tại nơi làm việc được áp đặt. Tính đến ngày 9/1, hơn 74% người dân Mỹ đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó 62,5% đã tiêm đủ liều cơ bản.

Trần Quyên (TTXVN)
Trung Quốc cần một chiến lược dài hạn khi COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu
Trung Quốc cần một chiến lược dài hạn khi COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu

Theo các nhà phân tích, chính sách "Zero COVID-19" (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng) của Trung Quốc có thể sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron ở nước này, song Trung Quốc vẫn cần một chiến lược dài hạn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 dường như đang trở thành một căn bệnh đặc hữu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN