Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ông Wu Zunyou, Trưởng nhóm Dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết nhiều nhóm chuyên gia của này nước đang nghiên cứu cách điều chỉnh các chiến lược đối phó với đại dịch khi áp lực kinh tế từ chính sách “không COVID-19” ngày càng gia tăng ở nước này. Ông khẳng định chắc chắn họ có thể đưa ra chiến lược mới trong thời gian tới.
Theo đó, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khi được điều chỉnh sẽ khác với chính sách “không COVID-19” năng động hiện nay. Tuy nhiên, Trung Quốc có khả năng sẽ không dỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng dịch như một số nước phương Tây đã làm, ông Wu nói tại diễn đàn do Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang tại Đại học Renmin tổ chức hôm 16/2.
Ông cũng nhấn mạnh thay đổi nào cũng đều đặt con người và tính mạng lên trên hết, đồng thời cho phép Trung Quốc hoà nhập tốt hơn với cộng đồng quốc tế và đảm bảo phát triển kinh tế.
Tuyên bố của ông Wu được đưa ra trong bối cảnh các cuộc tranh luận sôi nổi về thời điểm Bắc Kinh sẽ nới lỏng các hạn chế COVID-19 tiếp tục diễn ra, khi nhiều quốc gia đã có động thái dỡ bỏ biện pháp phòng dịch, chẳng hạn Anh, Đan Mạch và Singapore.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng việc so sánh sự khác biệt trong các chiến lược kiểm soát COVID-19 giữa Trung Quốc với các nước phương Tây có thể khiến nước này rơi vào tình thế bất lợi, cả về mặt xã hội lẫn kinh tế. Trong khi đó, các đợt bùng phát dịch bệnh trong nước gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại về việc chi phí của phương pháp tiếp cận “không COVID-19” ngày càng gia tăng.
“Một số công ty tư nhân và những người lao động làm nghề tự do ở Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực lớn”, ông Wu cảnh báo và nói thêm rằng sinh kế của họ ngày càng bị đe doạ khi các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt chưa được dỡ bỏ. Ông cũng nói rằng mặc dù việc nới lỏng các quy định về COVID-19 ở châu Âu và Mỹ đã tạo ra nhiều áp lực cho Trung Quốc, nhưng nước này không có khả năng phải tuân theo hoàn toàn.
“Những ước tính ban đầu cho thấy việc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch sẽ làm gia tăng số ca nhiễm, tử vong. Người dân và giới chức Trung Quốc chưa thể chấp nhận được kết quả đó”, ông nói.
Trong khi đó, hôm 12/2, Trung Quốc đã phê duyệt thuốc điêu trị COVID-19 Paxlovid của hãng dược phẩm Pfizer để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Động thái này được một số chuyên gia coi là bước ngoặt trong chiến lược đối phó với đại dịch của quốc gia này.
Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang có dấu hiệu nới lỏng các hạn chế phòng dịch, bằng việc thay đổi cách tiếp cận không khoan nhượng với COVID-19 nghiêm ngặt và linh hoạt hơn trong việc hạn chế đi lại do các đợt bùng dịch lẻ tẻ gây ra.
Ông Tao Chuan, nhà phân tích vĩ mô tại Soochow Securities, là một trong số những chuyên gia nhận định rằng Trung Quốc có thể điều chỉnh các chính sách phòng dịch sau hai phiên họp vào tháng 3. Ông cũng cho rằng gia tăng ca nhiễm gần đây ở Hong Kong cũng đưa ra cái nhìn sâu sắc về khả năng thích ứng của chính sách “không COVID-19 linh hoạt”.
“Sau hai phiên họp, chính sách không COVID-19 linh hoạt có thể sẽ được nới lỏng. Động thái điều chỉnh sẽ diễn ra từ từ, nhưng được kỳ vọng sẽ giúp ổn định tăng trưởng ngoài cơ sở hạ tầng và bất động sản”, ông Tao dự đoán.
Cơ quan quản lý hàng không của Trung Quốc cho biết trong kế hoạch 5 năm mới nhất được ban hành vào đầu tháng 1 cho biết nước này sẽ tập trung vào khôi phục du lịch hàng không quốc tế từ năm 2023 đến năm 2025.
“Đây là một dấu hiệu rất đáng mừng. Tất cả các lĩnh vực đều đang nỗ lực để hướng tới bình thường hoá”, ông Wu nói.
Tuy nhiên, chuyên gia dịch tễ này cho rằng ông không lạc quan lắm về giả thuyết kết thúc đại dịch trong năm nay. Song ông dự đoán rằng tác động của đại dịch COVID-19 đối với toàn xã hội nói chung sẽ ít hơn so với 2 năm qua. Ông cũng cho rằng một chủng virus đột biến mới có thể xuất hiện vào khoảng giữa tháng 4 và tháng 8 và trở thành chủng virus thống trị trên toàn thế giới.