Hai thủ đô Amxtécđam của Hà Lan và Côpenhaghen của Đan Mạch được mệnh danh là các "thủ phủ xe đạp" của châu Âu. Tuy nhiên, việc có quá nhiều người sử dụng xe đạp đã gây ra những vấn đề giao thông đau đầu cho hai thủ phủ xe đạp này.
Ở Hà Lan nói chung và thủ đô Amxtécđam nói riêng, số xe đạp còn nhiều hơn số dân và tình trạng này dẫn tới ùn tắc hay những tai nạn chết người. Cứ vào giờ cao điểm mỗi sáng, thường từ 8 đến 9 giờ, khoảng 1,75 triệu người Hà Lan phải chen chúc tìm cho “con ngựa sắt” của mình một chỗ tại các làn đường dành riêng cho xe đạp.
Có quá nhiều xe đạp dừng trước đèn đỏ và tình trạng tắc nghẽn là đương nhiên. Không phải ai cũng có thể qua ngã tư trong một nhịp đèn giao thông. Dù có tới gần 19.000 km đường dành cho xe đạp nhưng thế vẫn chưa đủ cho 18 triệu xe đạp ở quốc gia này.
Ông Hugo van der Steenhoven, Chủ tịch Liên đoàn xe đạp Hà Lan, thừa nhận: "Chúng tôi là nạn nhân của sự thành công của chính mình".
Ngoài số lượng xe đạp quá nhiều, một nguyên nhân dẫn tới tình trạng tắc nghẽn xuất phát từ những chiếc xe máy có bàn đạp. Người lái loại xe này được phép sử dụng làn đường dành cho xe đạp nếu đi với tốc độ dưới 25 km/giờ. Vấn đề là ở chỗ 69% số người dùng loại xe máy trên thường đi quá nhanh. Hơn nữa, do to hơn xe đạp nên chúng chiếm chỗ nhiều hơn.
Xe đạp – một phương tiện giao thông phổ biến ở Hà Lan và Đan Mạch. Ảnh: Internet |
Không chỉ kẹt xe đạp, tình trạng tai nạn do xe đạp cũng khiến cơ quan chức năng Hà Lan lo lắng. Tai nạn là điều không khó hiểu khi những người trẻ khỏe đi với tốc độ 40 km/giờ lại chung làn đường với những bà cụ thong thả đạp xe đi mua đồ hay những em học sinh rong ruổi đến trường.
Điển hình là vụ tai nạn xảy ra hồi tháng 6/2010 ở Alkmaar (tây bắc Hà Lan), trong đó một người đi xe đạp bị phạt 80 giờ lao động xã hội sau khi va vào một cụ bà 82 tuổi khiến cụ thiệt mạng.
Con số thống kê trong năm 2009 của Văn phòng Thống kê Trung ương cho thấy một số liệu đáng buồn: 185 lái xe đạp thiệt mạng trong tai nạn đường bộ. Đáng buồn hơn là số người chết do tai nạn xe đạp lại có xu hướng ổn định hoặc tăng lên trong vài năm trở lại đây trong khi số người chết do tai nạn giao thông đường bộ nói chung liên tục giảm.
Còn tại thủ đô Côpenhaghen, tình hình cũng không mấy khả quan hơn. Người dân Côpenhaghen có thói quen đi xe đạp trong mọi điều kiện thời tiết khiến cho đường phố lúc nào cũng chật cứng xe đạp - một loại xe biểu tượng cho sự tự do và được mọi tầng lớp xã hội sử dụng, kể cả các chính khách.
Tình trạng tắc nghẽn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường Noerrebrogade - tuyến đường xe đạp đông đúc nhất ở châu Âu. Mỗi ngày, con đường này phải gánh tới 36.000 người đạp xe qua.
Lẽ dĩ nhiên, càng có nhiều xe đạp thì làn đường dành cho loại xe này càng ít an toàn. Trước mắt, các nhà chức trách Hà Lan cũng mới chỉ vạch ra được vài biện pháp.
Theo ông Frand De Kok thuộc Liên đoàn du lịch Hà Lan (ANWB), lý tưởng nhất là mở rộng đường dành cho xe đạp nhưng giải pháp này không phải chỗ nào cũng thực hiện được khi mà “tấc đất là tấc vàng” ở Hà Lan - một quốc gia có mật độ dân số thuộc hàng cao nhất thế giới.
Một giải pháp nữa là để một nhóm người đạp xe thể thao đi chung làn với ô tô. Đây là ý tưởng của bà Rianne Mudler, phát ngôn viên của Liên đoàn đạp xe thể thao Hà Lan.
Tuy nhiên, theo bà Mudler, ý thức của người đi xe đạp vẫn quan trọng hơn luật lệ và là điều mấu chốt: "Tôi cho rằng mọi người phải học cách tôn trọng lẫn nhau trên làn đường xe đạp bằng cách sử dụng chuông, giảm tốc độ khi cần thiết, không đi dàn hàng ngang".
Trong khi người Hà Lan vẫn loay hoay tìm cách thoát ra khỏi mặt trái của sự thành công của chiến dịch vận động người dân đi xe đạp thì chính quyền Đan Mạch đã bắt tay vào cuộc.
Các nhà quy hoạch đô thị Côpenhaghen đã quyết định biến mạng lưới đường dành cho xe đạp thành các đường cao tốc cho xe đạp, hay còn gọi là đại lộ thân thiện môi trường đầu tiên ở Côpenhaghen.
Theo đó, các làn đường xe đạp chật chột hiện nay sẽ được mở rộng lên 4 mét. Theo ông Andreas Roehl, quản lý chương trình xe đạp thành phố Côpenhaghen, đường cao tốc xe đạp trong tương lai sẽ có các trạm dừng - nơi mọi người có thể bơm xe, sửa xích hay uống nước nghỉ ngơi.
Hệ thống đèn giao thông cũng sẽ được thiết kế sao cho xe đạp được ưu tiên hơn ô tô. Và nhờ đó, những người lái xe đạp có thể đi từ ngoại ô vào thủ đô một cách nhanh chóng và an toàn. Dự kiến, hai đường cao tốc xe đạp dài 15 km đầu tiên sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2011.
Frits Bredal, người phát ngôn Liên đoàn người đi xe đạp Đan Mạch, hi vọng những nước khác sẽ sớm học tập sáng kiến vừa tốt cho môi trường vừa tốt cho sức khỏe này.
Thùy Dương (theo AFP)