Theo hãng tin Reuters, thông báo của ngân hàng Thụy Sĩ được đưa ra nhằm giúp ngăn chặn tình trạng bán tháo mạnh trên thị trường tài chính trong phiên giao dịch sáng 16/3 ở châu Á, đặc biệt trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về việc rút tiền gửi ngân hàng trên toàn cầu.
Trong tuyên bố của mình vào sáng 16/3, Credit Suisse cho biết họ sẽ vay 50 tỷ franc Thụy Sĩ (54 tỷ USD) từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ. Trước đó, các nhà quản lý tại ngân hàng trung ương đảm bảo họ có thể đáp ứng các yêu cầu về vốn và thanh khoản đối với các ngân hàng quan trọng trong hệ thống và các ngân hàng này có thể tiếp cận thanh khoản của ngân hàng trung ương nếu cần.
Credit Suisse được cho là ngân hàng lớn đầu tiên trên thế giới được cấp hỗ trợ như vậy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ngày 15/3, cổ phiếu của Credit Suisse lao dốc và đạt mức thấp kỷ lục mới. Giá cổ phiếu có lúc đã giảm 30% và kết thúc phiên 15/3 giảm 22% sau khi Ammar Al Khudairy, Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia (SNB - cổ đông lớn nhất của Credit Suisse) đã loại trừ kế hoạch đầu tư thêm vào ngân hàng.
Những vấn đề mới nhất xảy ra đối với ngân hàng lớn ở Thuỵ Sĩ đã khơi dậy làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng châu Âu và Mỹ. Lĩnh vực này vốn cũng đã hỗn loạn từ tuần trước do hậu quả của vụ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản.
Việc các nhà đầu tư rút lui làm dấy lên lo ngại về mối đe dọa lớn hơn đối với hệ thống tài chính. Hai nguồn tin quan sát cho biết Ngân hàng Trung ương châu Âu đã liên hệ với các ngân hàng khác của Liên minh châu Âu và yêu cầu họ kê khai những khoản có liên quan đến Credit Suisse. Người phát ngôn của Bộ Tài chính cho biết Bộ Tài chính Mỹ cũng đang theo dõi tình hình liên quan đến Credit Suisse và liên lạc với các đối tác toàn cầu.