Giám đốc điều hành SVBB, ông Tim Mayopoulos, cho biết điều các khách hàng có thể làm là giúp ngân hàng xây dựng lại cơ sở tiền gửi của mình, thông qua gửi tiền vào SVBB và chuyển lại những khoản tiền đã được gửi qua các ngân hàng khác.
Ông khẳng định SVBB đang làm mọi thứ có thể để xây dựng lại uy tín, phục hồi niềm tin của khách hàng và tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, ông Mayopoulos cũng cho biết SVBB đang thực hiện các khoản vay mới và sẽ đảm bảo nghĩa vụ với các cơ sở tín dụng hiện có.
Theo các nguồn thạo tin, các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase và Bank of America đã chứng kiến một lượng lớn khách hàng đổ tiền vào các ngân hàng này kể từ thời điểm SVB sụp đổ.
Một nguồn tin nói thêm rằng mặc dù các thể chế tài chính lớn không tích cực theo đuổi khách hàng tiềm năng từ các ngân hàng quy mô nhỏ hơn đã đóng cửa, họ vẫn nhận tiền gửi của những khách này. Nguồn tin nhấn mạnh đây là một khoản tiền rất lớn.
Nhà phân tích Alexander Yokum tại công ty nghiên cứu, tư vấn tài chính CFRA cho biết khách hàng từ những ngân hàng quy mô nhỏ và vừa có lẽ cũng chuyển toàn bộ hoặc một phần tiền cho những “đại gia” mà họ nghĩ rằng chính phủ sẽ không từ bỏ.
Ông Yokum cho biết mức độ giao dịch chuyển tiền có thể chỉ được tiết lộ khi các ngân hàng công bố kết quả hàng quý (dự kiến bắt đầu vào tháng Tư) hoặc nếu họ công bố báo cáo sơ bộ trước thời điểm đó.
Trong một lưu ý, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P Global Ratings cho biết họ không thấy bằng chứng cho thấy việc dòng tiền gửi ồ ạt “chảy” khỏi một số ngân hàng đã lan rộng sang các ngân hàng khác.
Còn trong một tuyên bố chung hôm 12/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) và Bộ Tài chính Mỹ cho biết những người gửi tiền ở SVB sẽ có quyền tiếp cận "tất cả số tiền của họ" bắt đầu từ 13/3. Fed cũng tuyên bố sẽ cấp thêm vốn cho các ngân hàng để giúp họ đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền, bao gồm cả việc rút tiền.
SVB là một ngân hàng quan trọng đối với các công ty khởi nghiệp trên khắp nước Mỹ kể từ những năm 1980 tới nay. Nhưng ngân hàng này đã sụp đổ chỉ trong vòng 48 tiếng sau khi các khách hàng đổ xô tới rút tiền do lo lắng về tình hình tài chính của SVB. Tính riêng ngày 9/3, khách hàng đã rút tổng cộng 42 tỷ USD khỏi SVB.
Các cơ quan quản lý đã kiểm soát ngân hàng này vào thứ Sáu tuần trước (10/3).
Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, chỉ đứng sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WM) sụp đổ hồi năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính. Hiện hàng tỷ USD của nhiều công ty và nhà đầu tư vẫn còn "mắc kẹt" ở SVB.