Đây là một phần trong Đạo luật Chi tiêu quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019 đã được cơ quan lập pháp Mỹ phê chuẩn năm ngoái.
Trong thư gửi Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ James Inhofe, quyền Giám đốc OMB Russ Vought nhấn mạnh trong thời gian gần đây, Quốc hội Mỹ đã đặc biệt nêu bật tầm quan trọng của việc thực thi đạo luật trên trong thời hạn 2 năm và cơ quan này cam kết sẽ thực hiện được điều này.
Tuần trước, OMB cho rằng cần phải có thêm thời gian để thực thi lệnh cấm trên, theo đó bên cung cấp thứ ba và các nhà thầu không được mua các thiết bị cũng như sử dụng công nghệ của Huawei. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã điều chỉnh lập trường này sau "các cuộc đối thoại tại Quốc hội". Quan chức OMB khẳng định cơ quan này sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ giải quyết các vấn đề phát sinh.
Lệnh cấm này là một trong những biện pháp siết chặt mà chính quyền Mỹ áp đặt đối với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, mà Washington cho rằng có quan hệ với chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh đã bày tỏ sự bất bình trước động thái này của Washington, trong khi Huawei liên tục bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng tập đoàn này là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ.
Hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành NDAA, trong đó có điều khoản 889 cấm các cơ quan liên bang Mỹ ký hợp đồng mua sắm các trang thiết bị viễn thông do Huawei và ZTE - một công ty công nghệ khác cũng của Trung Quốc - sản xuất. Lệnh cấm này có hiệu lực từ năm nay.
Cùng ngày, tập đoàn Huawei đã lên tiếng hối thúc chính quyền Mỹ từ bỏ kế hoạch cấm các công ty mạng không dây nước này sử dụng các nguồn quỹ hỗ trợ của chính phủ để mua trang thiết bị của hãng.
Hồi tháng 3/2018, trong một bức thư gửi Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Thông tin liên bang (FCC) Ajit Pai đã đề xuất lệnh cấm sử dụng Quỹ Dịch vụ chung của ủy ban này để mua các thiết bị hoặc dịch vụ của những công ty mà Washington cho là đe dọa mạng lưới thông tin của Mỹ. Ông Pai đồng thời chỉ ra Huawei là một trong số những công ty như vậy.
Theo Huawei, đề xuất của FCC không có tác dụng bảo vệ an ninh quốc gia và có thể gây xáo trộn mạng lưới ở những vùng xa xôi nếu bị buộc phải gỡ bỏ các thiết bị của tập đoàn này đã được sử dụng trong nhiều năm qua. Hiệp hội Mạng không dây khu vực nông thôn của Mỹ ước tính các công ty thành viên của hiệp hội này phải gánh khoản chi phí từ 800 triệu USD đến 1 tỷ USD để thay thế toàn bộ thiết bị thông tin mua của Huawei hoặc ZTE.
Huawei cũng cho rằng việc cấm bán các thiết bị của hãng này tại Mỹ sẽ vi phạm những nghĩa vụ của Mỹ với tư cách là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Quỹ dịch vụ chung hỗ trợ chi phí mua sắm các thiết bị, phục vụ các khu vực hẻo lánh, khó tiếp cận, thư viện và trường học, và một chương trình hỗ trợ người thu nhập thấp được sử dụng điện thoại.