Theo hãng tin AP, quyết định trên của hội đồng gồm 9 thẩm phán tối cao đã gây thất vọng đối các tổ chức và cá nhân muốn cấm hoàn toàn hành vi phá thai ở Colombia. Tuy nhiên, quyết định vẫn được các nhóm bảo vệ quyền phụ nữ miêu tả là sự kiện lịch sử. Các nhóm này ước tính có đến 400.000 phụ nữ bí mật phá thai ở Colombia mỗi năm.
Jonathan Silva, nhà hoạt động thuộc tổ chức United for Life, bày tỏ anh rất ngạc nhiên với quyết định của hội đồng thẩm phán. “Chúng tôi không hiểu vì sao chuyện này xảy ra, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục biểu tình và kêu gọi thành viên quốc hội siết chặt quy định”, nhà hoạt động cho hay.
Trước đó, Colombia chỉ cho phép phá thai trong trường hợp mạng sống của người mẹ gặp nguy hiểm vì tình trạng thai sản, phôi thai bất thường hoặc có thai vì bị hiếp dâm.
Tuy nhiên, giờ đây, phụ nữ tại Colombia có thể phá thai từ 24 tuần trở xuống mà không cần đưa ra lý do hay lời giải thích nào. Trong khi đó, mọi hành vi phá thai trên 24 tuần tuổi sẽ bị pháp luật cấm và phải đối mặt với hình phạt nặng nếu bị phát hiện.
“Chúng tôi mong muốn có luật phá thai toàn diện hơn… nhưng đây cũng là bước tiến lịch sử rồi”, Cristina Rosero – luật sư làm việc tại tổ chức Trung tâm Quyền sinh sản ở New York (Mỹ) – bày tỏ. Trung tâm Quyền sinh sản là một trong năm tổ chức đã đệ đơn kiện lên tòa án tối cao xem xét lại luật phá thai của Colombia trong năm 2020. Các tổ chức đệ đơn kiện giải thích lệnh cấm nạo phá thai trước đó đã ngăn cản phụ nữ ở những khu vực thu nhập thấp tiếp cận quy trình phá thai an toàn.
Trước Colombia, một số quốc gia Mỹ Latinh như Argentina, Uruguay và Cuba đã ban hành luật cho phép nạo phá thai đến một thời điểm nhất định trong thai kỳ.
Theo một khảo sát triển khai vào năm ngoái tại Colombia, 25% người tham gia trả lời coi nạo phá thai là một hành vi phạm tội, trong khi 42% phản đối tuyên bố đó. Tại Colombia, phụ nữ phá thai bất hợp pháp có thể phải đối mặt với 3 năm tù giam.