Theo đài RT, bản đồ do Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley, đơn vị chủ trì dự án, công bố ngày 13/1. Đây là kết quả của 7 tháng hoạt động đầu tiên của DESI.
Mỗi dấu chấm trong hình ảnh đại diện cho một thiên hà riêng lẻ, bao gồm từ 100 tỷ đến 1.000 tỷ ngôi sao. Bản đồ cho thấy hình ảnh nhìn từ Trái đất tới các ngôi sao cách 5 tỷ năm ánh sáng theo hướng của chòm sao Xử Nữ, từ từ dịch chuyển về phía chòm sao Mục Phu.
Ông Julien Guy, một nhà vật lý thiên văn tại phòng thí nghiệm Berkeley, cho biết: “Có rất nhiều thứ tuyệt đẹp. Theo phân bố các thiên hà trong bản đồ 3D, có những cụm, sợi và khoảng trống khổng lồ. Chúng là những cấu trúc lớn nhất trong vũ trụ. Nhưng bên trong chúng, bạn tìm thấy dấu ấn của vũ trụ rất sơ khai và lịch sử giãn nở của vũ trụ kể từ đó”.
Đây chỉ là bước khởi đầu của công việc mà DESI thực hiện vì dự án này có mục đích bổ sung hơn 1 triệu thiên hà mới vào biểu đồ mỗi tháng. Khi hoàn thành vào năm 2026, bản đồ dự kiến sẽ bao gồm hơn 35 triệu thiên hà, cung cấp cho các nhà thiên văn học một lượng lớn dữ liệu để nghiên cứu.
Video về bản đồ 3D của vũ trụ (nguồn: RT):
DESI là một máy dò hiện đại được gắn vào Kính viễn vọng Nicholas U. Mayall 4 mét tại đỉnh Kitt ở Arizona, Mỹ.
Được làm từ 5.000 sợi quang học, được định vị chính xác trong phạm vi 10 micron, kính viễn vọng này ghi lại những tia sáng chiếu từ vũ trụ đến Trái đất, bao phủ hơn một phần ba toàn bộ bầu trời.
Máy dò đang tìm kiếm những gợn sóng trong các thiên hà, được gọi là dao động âm thanh baryon.
Bằng cách đo khoảng cách giữa các gợn sóng đó ở các thời kỳ khác nhau trong lịch sử vũ trụ, các nhà thiên văn học có thể tìm ra liệu gia tốc giãn nở của vũ trụ là hằng số hay thay đổi theo thời gian.
Kiến thức này sẽ là điều rất quan trọng để tìm hiểu năng lượng tối bí ẩn, được cho là chiếm 70% vũ trụ và là động lực thúc đẩy quá trình giãn nở của vũ trụ.