Đó là một nội dung của chính sách mới về tiêm chủng liên quan đến công chức được triển khai nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn cũng như đạt được năng suất dịch vụ công ở mức tối ưu.
Theo thông tư đăng tải trên website của Vụ Dịch vụ công, công chức không thể hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 do các yếu tố liên quan đến sức khỏe sẽ phải đến kiểm tra y tế, xét nghiệm COVID-19. Nếu bác sỹ xác nhận họ không đủ khả năng để tiêm vì lý do sức khỏe thì sẽ không bị kỷ luật. Thông tư nêu rõ vào bất cứ thời điểm nào, lãnh đạo trực tiếp của công chức chưa hoàn thành tiêm chủng đều có thể yêu cầu họ đi khám sức khỏe, đồng thời cũng được phép sử dụng các phương pháp thích hợp để quản lý họ, bao gồm cả việc yêu cầu khám sàng lọc COVID-19 bằng kinh phí tự túc. Tuy nhiên, chính phủ sẽ trả chi phí xét nghiệm cho những người không đủ điều kiện để tiêm vaccine ngừa COVID-19 vì lý do sức khỏe.
Ngày 24/2, Malaysia đã bắt đầu triển khai Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19, sử dụng 5 loại vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca/Oxford, Sinovac, CansinoBIO và Sputnik V. Chương trình chia làm 4 giai đoạn và sẽ kéo dài đến tháng 2/2022 nhằm đạt khả năng miễn dịch cho khoảng 80% dân số, khoảng 32 triệu người nước ngoài đang sống tại Malaysia. Trong giai đoạn đầu, chính phủ ưu tiên tiêm cho khoảng 600.000 nhân viên tuyến đầu, trong đó 57,3% là nhân viên y tế, 42,7% là nhân viên an ninh gồm lực lượng vũ trang, Cảnh sát Hoàng gia, Cơ quan Hải quan Hoàng gia…
Giai đoạn hai từ tháng 4-8/2021 với đối tượng trên 60 tuổi và những nhóm dễ bị tổn thương và có bệnh lý nền. Hai giai đoạn cuối thực hiện song song từ tháng 8/2021 - 2/2022 dành cho người trên 18 tuổi và công nhân tại các nhà máy sản xuất. Lý do thực hiện đồng thời hai giai đoạn này là do xuất hiện của biến thể Delta trong mùa Hè vừa qua khiến Malaysia đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng và mở rộng đối tượng tiêm chủng. Đến thời điểm hiện tại, đã có 94% dân số trưởng thành của Malaysia hoàn thành tiêm chủng.