Vụ việc này đã làm dấy lên lo ngại về vụ đảo chính thứ hai tại Mali khi Chính phủ lâm thời nước này đang trong quá trình hoàn thiện bộ máy nhà nước sau vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita ngày 18/8/2020.
Một tuyên bố chung của Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Phi (AU), Hội đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS), Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh đã lên án vụ bắt giữ nói trên và kêu gọi ngay lập tức trả tự do vô điều kiện cho hai chính trị gia này.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến mới tại Mali, đồng thời kêu gọi trả tự do cho lãnh đạo Mali. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết các nhà lãnh đạo EU ủng hộ lời kêu gọi của AU và ECOWAS, trong đó yêu cầu Mali khôi phục chính phủ chuyển tiếp và do giới dân sự lãnh đạo.
Vụ bắt giữ Tổng thống Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane xảy ra sau khi Chính phủ lâm thời của Mali công bố điều chỉnh nhân sự nội các, trong đó thay thế Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng An ninh và bảo vệ dân sự. Hai vị trí này trước đó lần lượt do Đại tá Sadio Camara và Đại tá Modibo Kone đảm nhiệm. Đây là hai nhân vật đầu não trong vụ binh biến hồi tháng 8/2020.
Ngày 18/8/2020, binh biến đã xảy ra ở Mali khi nhóm binh sĩ tự xưng Ủy ban Quốc gia bảo vệ người dân (CNSP) nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ. Vài giờ sau đó, Tổng thống Keita tuyên bố từ chức và giải tán quốc hội. Sau binh biến, chính quyền quân sự ở Mali đã cam kết thành lập một chính phủ chuyển tiếp hoạt động trong vòng 18 tháng để đưa nước này chuyển sang chế độ dân sự sau binh biến. Ngày 25/9/2020, ông Bah Ndaw, một đại tá nghỉ hưu, đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời Mali, đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình chuyển tiếp này dự kiến kéo dài 18 tháng.
Tuy nhiên, tiến trình xây dựng bộ máy nhà nước Mali đang đứng trước nhiều thách thức do bất bình về vai trò chi phối của quân đội và các chương trình cải cách chậm được triển khai. Ngoài ra, Mali cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn về an ninh, hậu cần, trong khi các phần tử thánh chiến không ngừng chống phá.