Kênh CNN (Mỹ) cho biết ngoài việc được sử dụng để điều chế vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna, công nghệ mRNA đang được nghiên cứu để áp dụng trong cuộc chiến chống HIV, virus hợp bào hô hấp. Ngoài ra, mRNA còn được thử nghiệm trong điều trị ung thư, bệnh tự miễn dịch…
Vaccine phòng nhiều loại bệnh
Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hungary Katalin Kariko tại Đại học Pennsylvania đã thử nghiệm công nghệ mRNA với vai trò liệu pháp gien.
Công nghệ mRNA được sử dụng để “hướng dẫn” tế bào tạo bản sao khỏe mạnh của một protein. Như vậy, vaccine công nghệ mRNA có cơ chế hoạt động là khiến tế bào tạo ra thứ được coi như một mảnh của virus để kích thích cơ thể sản sinh kháng thể.
Đến ngày 14/12/2020, Mỹ đã thông qua loại vaccine đầu tiên sử dụng công nghệ mRNA. Pfizer cho biết đang lên kế hoạch dùng công nghệ mRNA để chống lại cúm mùa, vốn khiến hàng trăm, hàng nghìn người trên thế giới tử vong mỗi năm.
Các nhà nghiên cứu cũng đang thử nghiệm sản xuất vaccine mRNA để phòng chống Ebola, Zika, bệnh dại.
Trung tâm Penn Medicine tại Đại học Pennsylvania đang nghiên cứu loại vaccine phòng chống virus Corona có thể bảo vệ con người khỏi COVID-19, SARS và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) với công nghệ mRNA được coi là ứng viên tiềm năng nhất.
Trung tâm Penn Medicine đã bắt tay vào nghiên cứu vaccine phòng virus Corona từ mùa Xuân năm 2020. Bác sĩ Drew Weissman tại trung tâm Penn Medicine chia sẻ: “Đã có 3 dịch bệnh liên quan đến virus Corona trong 20 năm qua. Thời gian tới dự kiến sẽ có thêm”.
Một mục tiêu khác là áp dụng công nghệ mRNA để phòng chống virus hợp bào hô hấp (RSV) khiến 100-500 trẻ em tử vong mỗi năm. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch Mỹ (CDC), virus hợp bào hô hấp còn khiến 14.000 người trưởng thành tử vong mỗi năm, hầu hết đều trên 65 tuổi.
Điều trị ung thư
Một công dụng khác của công nghệ mRNA là hỗ trợ chống ung thư. Công ty Moderna đang nghiên cứu vaccine ung thư cá nhân hóa. Moderna thông báo: “Chúng tôi nhận diện biến đổi trên tế bào ung thư của bệnh nhân. Sau đó chúng tôi tạo vaccine mã hóa cho mỗi biến đổi rồi truyền tải chúng vào một phân tử mRNA”. Khi được tiêm vào bệnh nhân, loại vaccine cá nhân hóa này được kỳ vọng tạo phản ứng mễn dịch tốt hơn chống khối u. Theo Moderna, các thuật toán máy tính cho thấy có khoảng 20 biến đổi phổ biến trên tế bào.
Các bệnh tự miễn
BioNtech đã phối hợp cùng nhiều nhà nghiên cứu sử dụng mRNA để điều trị chuột mắc bệnh tương tự như đa xơ cứng- hệ miễn dịch tấn công chất béo bao bọc xung quanh tế bào thần kinh. Thử nghiệm cho thấy công nghệ mRNA khiến chuột hết bệnh và hệ miễn dịch vẫn bảo toàn.
Các bệnh do bọ ve gây ra
Bác sĩ Drew Weissman tại trung tâm Penn Medicine phân tích: “Ý tưởng là nếu bạn miễn dịch với protein nước bọt của bọ ve, khi chúng đốt bạn, cơ thể sẽ phản ứng khiến bọ ve không thể bám”.
Bệnh Lyme do vi khuẩn Borrelia burgdorferi từ bọ ve gây ra. Bọ ve thường phải bám vào vật chủ từ 36-48 tiếng trước khi truyền vi khuẩn này. Nếu bọ ve bị cơ thể “rũ bỏ” trước khoảng thời gian này thì chúng sẽ không thể truyền bệnh.