Theo hãng tin Reuters, Firdous Ashiq Awan – Thư ký đặc biệt của Thủ tướng Imran Khan chuyên trách về về Thông tin và Phát thanh - tuyên bố động thái này của Pakistan là đòn trả đũa trước việc Ấn Độ bãi bỏ Điều 370 trong hiến pháp vốn trao quyền tự trị đặc biệt cho bang Jammu và Kashmir.
Đây không phải là lần đầu tiên Pakistan ban hành lệnh cấm phim Ấn Độ. Không chỉ từ chối phát sóng phim Ấn Độ vì lý do kiểm duyệt, Pakistan cũng nhiều lần ngừng trình chiếu phim Ấn Độ - đặc biệt là các sản phẩm từ ngành điện ảnh Bollywood – gần như vào mỗi dịp xảy ra khủng hoảng chính trị giữa hai quốc gia láng giềng.
Cụ thể, các phim như "Raazi", "Aiyyari" và "Parmanu: Câu chuyện về Pokhran" bị cấm trình chiếu tại Pakistan gần đây với lý do giới chức nước này cho rằng nội dung các phim mang hơi hướng chính trị. Phim “Mulk” bị cấm vì hội đồng kiểm duyệt Pakistan đánh giá bộ phim miêu tả về đạo Hồi tại Ấn Độ không chính xác.
Trao đổi với truyền thông bên ngoài Tòa nhà Quốc hội hôm 8/8, Thư ký Awan tuyên bố Chính phủ Pakistan đang thực hiện nhiều nỗ lực khác nhau để làm nổi bật tình hình Kashmir hiện nay đối với dư luận quốc tế. Bên cạnh các bộ phim, Pakistan cũng cấm các sản phẩm mang nội dung văn hóa Ấn Độ khác.
Tuy nhiên, về phần mình, Ấn Độ cho rằng lệnh cấm chiếu phim của Pakistan gây ra thiệt hại cho chính quốc gia này nhiều hơn. Các thành viên của Hiệp hội điện ảnh Ấn Độ cho rằng lệnh cấm này không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào đối với Ấn Độ và đó là sự mất mát cho người dân Pakistan.
Nhà sản xuất phim kiêm cố vấn cấp cao thuộc Liên đoàn Người lao động ngành phim Ấn Độ (FWICE) Ashoke Pandit trả lời hãng tin IANS: “Việc người Pakistan xem phim của chúng tôi hay không cũng không tạo ra sự khác biệt gì. Tôi nghĩ an ninh quốc gia phải được đặt lên hàng đầu. Phim có phát sóng hay không giờ không còn quan trọng nữa. Ngành công nghiệp điện ảnh của chúng tôi rất lớn. Xét về mặt doanh thu, nó không phải là vấn đề”.
Đối với một bộ phận không nhỏ người dân Pakistan, lòng say mê với ngành giải trí Ấn Độ được xây đắp từ khi họ còn nhỏ.
“Tuổi thơ tôi gắn liền với các diễn viên Ấn Độ kỳ cựu như Shah Rukh Khan, Aamir Khan và Salman Khan. Phải mất một thời gian nữa tôi mới tìm thấy diễn viên mình hâm mộ trong ngành công nghiệp điện ảnh Pakistan”, anh Ali Shiwari – một “con mọt phim” đang học về chuyên ngành sản xuất phim lấy cảm hứng từ niềm yêu thích điện ảnh - chia sẻ.
Không chỉ đối với người hâm mộ, lệnh cấm chiếu phim của Chính phủ Pakistan cũng ảnh hưởng lớn đến hệ thống rạp chiếu quốc gia.
“Ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ đóng vai trò quan trọng đối với sự sống còn của các rạp chiếu phim tại Pakistan”, Rafay Mahmood – một phóng viên chuyên về điện ảnh – chỉ ra.
Hiện tại ở Pakistan có khoảng 120 rạp chiếu phim. Trung bình mỗi rạp chiếu phim cần ít nhất 26 bộ phim mới/năm để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện ảnh của riêng Pakistan chỉ sản xuất được 12 đến 15 phim mỗi năm. Quan trọng hơn, các phim này lại không thu hút được sự chú ý của người hâm mộ.
Theo thống kê của phóng viên chuyên mục giải trí Hassan Zaidi, 70% doanh thu của các rạp chiếu phim tại Pakistan kiếm được từ phim Ấn Độ. “Lệnh cấm này không lâu dài. Ngành công nghiệp điện ảnh tại đây sẽ không thể sống sót nếu không có Bollywood”.
Những tác động xấu từ lệnh cấm đối với các rạp chiếu phim ở Pakistan có thể nhìn thấy rõ từ các lệnh cấm trong quá khứ.
Chính phủ Pakistan từng ban hành lệnh cấm kéo dài 40 năm, từ 1965 đến 2005, sau một cuộc chiến với Ấn Độ. Động thái này đã giáng một đòn nặng xuống ngành công nghiệp điện ảnh Pakistan. Hàng trăm rạp chiếu phim tại quốc gia này không đủ khả năng duy trì hoạt động và buộc phải chuyển hóa thành trung tâm thương mại hoặc trung tâm tiệc cưới.
Ngay thời điểm lệnh cấm được dỡ bỏ, ngành công nghiệp phim Pakistan – tê liệt vào những năm 1990 – bắt đầu hồi sinh. "Điều này thúc đẩy sự trở lại của khán giả với rạp chiếu phim. Nó cũng khuyến khích các nhà làm phim Pakistan bắt đầu sản xuất phim", Atika Rehman, biên tập viên của trang web tin tức Dawn ở Pakistan kết luận.