Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 14/10 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng .331.585 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.089.949 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 28.813.835 người, 8.413.756 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 69/799 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (63.517 ca), Mỹ (46.585 ca) và Anh (17.234 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 751 ca), tiếp theo là Ấn Độ (723 ca) và Brazil (289 ca).
Châu Âu diễn biến phức tạp, Pháp tính áp lệnh giới nghiêm
Các bộ trưởng Pháp đều cho biết chính phủ nước này không loại trừ khả năng áp đặt lệnh giới nghiêm tại các thành phố, như ở thủ đô Paris, nhằm khống chế sự lây lan của dịch CVOID-19.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh số bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu tính đến ngày 12/10 lần đầu tiên vượt 1.500 người kể từ ngày 27/5 vừa qua.
Tại Pháp, thông thường số người phải nhập viện vì các bệnh khác nhau vào mùa Thu cao hơn vào mùa Xuân, do đó, giới chức y tế nước này lo ngại hệ thống y tế sẽ nhanh chóng bị quá tải nếu không hành động để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết nước này đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai lây lan "mạnh mẽ" và không loại trừ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa.
Pháp đã ghi nhận tổng cộng 743.479 ca nhiễm sau khi có thêm 8.505 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. Số ca tử vong cũng tăng thêm 95 ca lên tổng cộng 32.825 ca
Nga ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao nhất trong 24 giờ
Ngày 13/10, số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Nga đã lên mức cao nhất trong 24 giờ kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát hồi đầu năm nay. Cụ thể, quốc gia châu Âu này đã ghi nhận thêm 13.8 ca mắc mới COVID-19 và 244 trường hợp tử vong, đưa tổng số người nhiễm và tử vong do virus SARS-CoV-2 lên lần lượt là 1.326.178 và 22.966 người.
Bỉ: Nguy cơ tái phong toả
Tại Bỉ, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong những ngày gần đây, các chuyên gia y tế đang lo ngại “trái tim của châu Âu” có thể lại phải áp đặt biện pháp phong tỏa. Số liệu thống kê của Viện Y tế quốc gia Bỉ (Sciensano), từ ngày 3 - 9/10, số ca nhiễm mới tại Bỉ lên tới 4.449 ca mỗi ngày, tăng 79% so với giai đoạn trước đó. Đỉnh điểm, trong ngày 9/10, số ca nhiễm virus SARS-Cov-2 tại Bỉ đã lên tới 7.950 ca. Trong khi đó, dân số Bỉ chỉ gồm 11,5 triệu người.
Kể từ đầu tháng 6 vừa qua, giới chức Bỉ đã được các chuyên gia y tế cảnh báo về nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại nước này. Thực tế, số ca lây nhiễm đã tăng theo cấp số nhân. Trong đợt dịch này, giới trẻ tại Bỉ là những đối tượng nhiễm bệnh nhiều nhất. Đa số những người này không có triệu chứng nghiêm trọng, nhưng lại là nguồn siêu lây nhiễm. Kể từ đầu đại dịch COVID-19 tới nay, Vương quốc Bỉ ghi nhận tổng cộng 165.880 ca nhiễm, trong đó có 10.211 trường hợp tử vong.
Italy ban hành sắc lệnh mới về phòng, chống dịch
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký ban hành sắc lệnh mới hạn chế một số hoạt động nhằm đối phó dịch COVID-19 đang có dấu hiệu tiếp tục tăng tại quốc gia này. Điểm mới trong sắc lệnh mới ban hành là cấm tổ chức tiệc riêng (cả trong nhà và ngoài trời) với số người tham dự vượt quá 6 người không sống cùng nhà. Các nhà hàng, quán bar sẽ phải đóng cửa lúc 24h đêm và kể từ 21h chỉ được phục vụ tại bàn.
Ngoài ra, sắc lệnh còn bắt buộc người dân đeo khẩu trang ngoài trời và trong nhà, khuyến cáo đeo khẩu trang ngay cả tại nơi ở khi có mặt người lạ không sống cùng nhà; đóng cửa các vũ trường, phòng khiêu vũ; đình chỉ các hoạt động trao đổi giáo dục, các chuyến tham quan, dã ngoại của học sinh. Đối với các rạp chiếu phim, nhà hát, sân vận động, số lượng khán giả giới hạn ở mức 200 người trong nhà và 1.000 người ngoài trời, đồng thời phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1 mét. Tuy nhiên, Chính phủ Italy cho phép tổ chức các hội chợ, hội nghị, các nghi lễ dân sự hay tôn giáo (như đám cưới), các bữa tiệc sau các buổi lễ có thể diễn ra với sự tham dự của tối đa 30 người, và phải tuân thủ các giao thức và hướng dẫn đã có hiệu lực.
Ba Lan: Thủ tướng phải cách ly
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã phải cách ly sau khi tiếp xúc với một trường hợp mắc COVID-19. Ông Morawiecki không có triệu chứng mắc bệnh và sẽ tiếp tục điều hành chính phủ trong thời gian cách ly. Bộ Y tế Ba Lan thông báo nước này ghi nhận thêm 5.0 ca mắc COVID-19. Đây là lần thứ hai số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở Ba Lan lên tới hơn 5.000 người kể từ khi đại dịch bùng phát. Tính đến nay, Ba Lan ghi nhận tổng cộng 135.278 ca mắc COVID-19 và 3.101 trường hợp tử vong.
Anh có thể siết chặt hạn chế hơn nữa
Bộ trưởng Nhà ở Anh Robert Jenrick cho biết chính phủ nước này có thể siết chặt hơn nữa các hạn chế nếu làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai tiếp tục gia tăng tại những khu vực có nguy cơ cao. Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với khu vực được xếp vào nhóm có nguy cơ lây nhiễm "rất cao".
Hiện thành phố Liverpool và khu vực lân cận là nơi đầu tiên ở England bị đưa vào danh sách có nguy cơ lây nhiễm "rất cao", tương đương cảnh báo cấp độ 3 - cao nhất trong thang gồm 3 cấp độ.
Theo hệ thống đánh giá gồm 3 cấp độ, các khu vực được phân loại có nguy cơ lây nhiễm "rất cao" phải đóng cửa quán rượu và thực hiện các biện pháp hạn chế xã hội khác như không tổ chức tiệc cưới, đóng cửa các trung tâm thể thao trong nhà, cũng như các sòng bạc. Tuy nhiên, các trường học, quán cà phê và nhà hàng vẫn mở cửa như hầu hết các văn phòng làm việc, dù người dân được khuyến khích làm việc tại nhà.
Na Uy sẽ cấp miễn phí vaccine phòng COVID-19 cho người dân
Chính phủ Na Uy ngày 13/10 thông báo khi có vaccine phòng dịch COVID-19, nước này sẽ cung cấp miễn phí cho người dân và sẽ đưa loại vaccine này vào chương trình tiêm chủng quốc gia.
Theo kế hoạch, Thụy Điển - một nước thành viên của EU, đồng thời là láng giềng của Na Uy - sẽ mua nhiều vaccine hơn so với mức cần thiết và sau đó bán lại cho Na Uy. Thông báo của Chính phủ Na Uy cho biết: "Cho đến nay, EU đã ký kết các thỏa thuận với 3 nhà sản xuất vaccine khác nhau và đang tiếp tục đàm phán với một số nhà sản xuất khác. Na Uy cũng sẽ có phần trong các thỏa thuận này, thông qua các thỏa thuận nhượng lại từ Thụy Điển".
Quốc gia Bắc Âu này hiện có mức độ lây nhiễm mới COVID-19 thấp nhất ở châu Âu. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, số ca nhiễm COVID-19 trung bình ở Na Uy trong 14 ngày qua là 34,3 người tính trên 100.000 dân. Tuy nhiên, tình trạng lây nhiễm có sự chênh lệch lớn trong nước, trong đó đặc biệt tại thủ đô Oslo.
Đông Nam Á "nóng" tình hình Indonesia, Malaysia
Tại Đông Nam Á, trụ sở Hội đồng lập pháp của thủ đô Jakarta (Indonesia) ngày 13/10 đã bị phong tỏa sau khi ít nhất 41 nhà lập pháp và nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tổng Thư ký Hội đồng Indra Iskandar cho biết tòa nhà Nusantara 1 - nơi tập trung văn phòng riêng của các đại biểu và phòng họp chính - sẽ đóng cửa tới ngày 8/11 để khử trùng trong khi những người mắc bệnh đã tự cách ly. Trước đó, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cũng đã yêu cầu đóng cửa khu phức hợp Hội đồng lập pháp địa phương sau khi hàng chục người tại đây mắc COVID-19. Thủ đô Jakarta hiện vẫn là tâm dịch của Indonesia với hơn 88.100 ca mắc, trong đó có hơn 1.920 ca tử vong.
Bộ Y tế Philippines ghi nhận 1.990 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất trong vòng 3 tuần qua tại quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại đây đã tăng lên tới 344.713 ca, vẫn ở mức cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, với thêm 40 ca bệnh không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở Philippines hiện tăng lên thành 6.372 ca.
Campuchia cho phép đại học công lập mở cửa trở lại
Bộ Giáo dục Campuchia ngày 12/10 cho biết đã “bật đèn xanh” cho các trường đại học công lập trên cả nước mở cửa trở lại sau nhiều tháng phải đóng cửa để phòng dịch COVID-19. Thông báo của Bộ Giáo dục Campuchia nêu rõ bắt đầu từ ngày 12/10, tất cả các trường đại học công lập của Campuchia có thể nối lại hoạt động với điều kiện phải tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành về phòng chống dịch COVID-19.
Người phát ngôn Bộ Giáo dục Campuchia Ros Soveacha nhấn mạnh mỗi trường đại học phải tuân thủ các biện pháp y tế của Bộ Y tế Campuchia và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ấn Độ ghi nhận tín hiệu tích cực
Tâm dịch của châu Á là Ấn Độ đã ghi nhận tín hiệu tích cực khi chỉ có thêm 55.342 ca mắc mới trong ngày 13/10. Đây là số ca nhiễm theo ngày thấp nhất ở Ấn Độ kể từ giữa tháng 8, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 7,18 triệu ca, trong đó có 109.856 ca tử vong (sau khi có thêm 706 ca). Theo Bộ Y tế Ấn Độ, số các ca nhiễm mới theo ngày đang có xu hướng giảm trong 5 tuần qua.
Trong vòng 24 giờ tính đến 6h sáng 14/10, con số lây nhiễm mới tại Ấn Độ là 63.517 ca.
Trung Quốc: Thanh Đảo lấy 3 triệu mẫu chỉ trong 2 tiếng
Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế thành phố Thanh Đảo cho biết chỉ trong vòng 2 ngày tính đến 8h sáng 13/10, địa phương này đã tiến hành lấy 3,08 triệu mẫu xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 sau khi phát hiện các ca mắc COVID-19 đầu tiên tại một bệnh viện địa phương hôm 11/10 vừa qua.
Giới chức trách địa phương đã hành động nhanh chóng nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan rộng ngay sau khi phát hiện 6 ca mắc COVID-19 tại đây. Đội ngũ nhân viên y tế Thanh Đảo đã dựng nhiều lều bạt để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm tại khắp các khu dân cư. Giới chức sở tại đặt mục tiêu xét nghiệm tất cả 9,4 triệu cư dân thành phố trong vòng 5 ngày kể từ khi phát hiện6 ca mắc COVID-19 nói trên hôm 11/10.
Hàn Quốc: 22 lính Mỹ đồn trú mắc COVID-19
Cũng trong ngày 13/10, Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) cho biết 22 quân nhân Mỹ mới đây đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi rời Mỹ để tới quốc gia Đông Bắc Á này.
Hiện tất cả các quân nhân này đã được chuyển tới một cơ sở cách ly dành riêng cho bệnh nhân COVID-19 tại căn cứ quân sự Camp Humphreys và căn cứ không quân Osan tại Pyeongtaek và căn cứ không quân Kunsan ở thành phố Gunsan, miền Tây Hàn Quốc.
Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 có liên quan tới USFk hiện lên tới 225 ca.
Australia nới lỏng hạn chế
Cùng ngày, New South Wales, bang đông dân nhất Australia, thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế mặc dù số ca nhiễm mới tại bang này trong 24 giờ qua tăng cao nhất trong 6 tuần qua. Theo đó, từ ngày 16/10, những quán ăn phục vụ ngoài trời sẽ được phép tăng gấp đôi lượng khách bên ngoài. Trước đó, bang này quy định những cơ sở như vậy phải đảm bảo diện tích 4m2 cho mỗi thực khách.
Bang New South Wales ngày 13/10 ghi nhận 13 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ ngày 2/9. Chính phủ liên bang Australia hy vọng việc nới lỏng hạn chế ở cấp bang sẽ giúp khôi phục nền kinh tế nước này đang lao đao do tác động của dịch COVID-19.
Cho đến nay, Australia đã ghi nhận tổng cộng trên 27.000 ca mắc COVID-19 và 899 ca tử vong, trong đó phần lớn số ca mắc được ghi nhận ở Victoria. Hiện bang này đang bước sang tháng thứ 3 thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt.
Mỹ Latinh: Cuba nới lỏng hạn chế sau 7 tháng
Cùng ngày 13/10, nhà chức trách Cuba cũng thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế sau 7 tháng áp dụng nhằm chống đại dịch COVID-19, theo đó các cửa hàng, cửa hiệu và cơ quan công sở được mở cửa trở lại, đồng thời các sân bay cũng được mở cửa đón khách du lịch tới hòn đảo xinh đẹp này nhằm trở lại cuộc sống bình thường và thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vẫn là quy định bắt buộc, dù không còn áp dụng cách ly đối với những người có tiếp xúc với các ca nghi nhiễm.
Quy định mới được đưa ra sau khi nhà chức trách Cuba nhận thấy sự cần thiết phải tái kích hoạt nền kinh tế bị tác động của các biện pháp hạn chế chống dịch cũng như các biện pháp trừng phạt của Mỹ gần đây.
Đến nay, hòn đảo với hơn 11 triệu dân này đã ghi nhận khoảng 6.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 120 ca tử vong. Hiện dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát tại hầu hết các tỉnh của Cuba. Chủ tịch Miguel Diaz-Canel tuần trước thông báo một số tỉnh đã không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong nhiều tháng.