COVID-19 hết 3/9 tại ASEAN: Thái Lan có ca lây nhiễm cộng đồng sau hơn 100 ngày; Singapore bùng ổ dịch mới

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 3/9, số người mắc COVID-19 tại ASEAN là 485.005, trong đó 11.695 người tử vong. Diễn biến đáng chú ý là Thái Lan có ca nhiễm  cộng đồng sau hơn 100 ngày và Singapore phát hiện ổ dịch mới.

Trong ngày 3/9, ASEAN ghi nhận 5.790 ca mắc tại 8 quốc gia và 200 ca tử vong tại ba quốc gia. 

Trong khi số ca mắc mới ở Philippines giảm dần thì số ca mắc mới ở Indonesia lại tăng dần. Indonesia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất ASEAN trong ngày 3/9 (3.622 ca), tiếp đó là Philippines (1.987 ca) và Myamar (116 ca).

Brunei cũng ghi nhận ca nhiễm mới nhập khẩu đầu tiên trong tháng 9. Trước đó, ngày 7/8, nước này cũng có một ca nhập khẩu.

Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ cuối tháng 7

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện thành phố Bogor, Tây Java, Indonesia, ngày 3/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày 3/9, Indonesia thông báo ghi nhận 3.622 ca mắc COVID-19 và 134 ca tử vong. Đây là ngày có số ca mắc COVID-19 cao nhất tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ ngày 22/7. Như vậy, tính tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia là 184.2 ca, trong đó có 7.750 ca tử vong.

Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận 1.987 ca mắc COVID-19 và 65 ca tử vong. Đây là mức thấp nhất trong 5 tuần qua. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Philippines là 228,403 ca, trong đó có 3.8 ca tử vong.

Thái Lan ghi nhận ca đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng sau hơn 100 ngày

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau hơn 100 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, ngày 3/9, Thái Lan đã ghi nhận ca mắc đầu tiên là một người đàn ông vừa bị tống giam tại nhà tù ở thủ đô Bangkok.

Trong một tuyên bố, Bộ Cải huấn Thái Lan cho biết người đàn ông trên, 37 tuổi, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong đợt xét nghiệm hằng tuần. Người này từng làm DJ tại một câu lạc bộ giải trí ban đêm và trước đó không đi nước ngoài hay có tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19. Hiện người này nhập viện điều trị, trong khi các tù nhân từng tiếp xúc với anh ta đã được cách ly. 

Đây là ca đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng tại Thái Lan kể từ ngày 26/5 vừa qua. Tất cả các trường hợp mắc COVID-19 tại Thái Lan được ghi nhận trong 3 tháng qua đều là các ca "nhập khẩu" và được phát hiện trong quá trình cách ly. 

Cùng ngày, Chính phủ Thái Lan thông báo kế hoạch chi khoảng 1,4 tỷ USD cho chương trình phát tiền mặt cho 15 triệu người dân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Singapore phát hiện ổ dịch mới tại khu nhà ở dành cho lao động nhập cư

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người lao động tại Singapore ngày 10/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà chức trách Singapore vừa phát hiện các ổ dịch COVID-19 mới tại khu nhà tập thể dành cho lao động nhập cư nước ngoài. 

Phần lớn 57.000 ca nhiễm của Singapore đến từ các khu nhà tập thể - nơi sinh sống của trên 300.000 người lao động, chủ yếu gốc Nam Á làm việc trong các lĩnh vực như xây dựng và đóng tàu. Tháng trước, giới chức Singapore thông báo toàn bộ lao động mắc bệnh sống tại các khu nhà này đã hoàn toàn bình phục hoặc đã có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. 

Tuy nhiên, trong một thông báo đưa ra ngày 3/9, Bộ Y tế Singapore cho biết các ổ dịch mới đã được phát hiện tại ít nhất 3 khu nhà tập thể cho người lao động nhập cư, với 43 ca nhiễm mới. Bên cạnh xét nghiệm dịch hầu họng, lực lượng chức năng Singapore còn đang tiến hành xét nghiệm huyết thanh đối với những người sinh sống tại các khu nhà tập thể này. 

Trong một phát biểu cùng ngày, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng Chính phủ Singapore đáng ra cần hành động quyết liệt và sớm hơn tại các khu nhà ở dành cho lao động nhập cư. 

Sau khi ghi nhận việc bùng phát dịch tại các khu nhà ở dành cho lao động nhập cư trước đó, Singapore đã áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 2 tháng, cũng như cách ly nghiêm ngặt cũng như xét nghiệm trên diện rộng. 

Malaysia mở rộng lệnh cấm nhập cảnh

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 24/7. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 3/9, Malaysia đã mở rộng danh sách những người có giấy phép cư trú dài hạn bị cấm nhập cảnh vào Malaysia từ ngày 7/9 tới, trong đó có những người đến từ Mỹ, Anh và Pháp. 

Chính phủ Malaysia ngày 1/9 ra tuyên bố cấm nhập cảnh đối với những người có giấy phép cư trú dài hạn đến từ Ấn Độ, Indonesia và Philippines từ đầu tuần tới, nhằm hạn chế số ca bệnh "nhập khẩu" tại quốc gia Đông Nam Á này. Lệnh cấm sẽ bao gồm tất cả các nước có trên 150.000 ca mắc COVID-19.

Malaysia đã cấm khách du lịch và khách doanh nhân nhập cảnh vào nước này kể từ tháng 3 vừa qua, khi áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với hoạt động đi lại và thương mại nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Động thái thắt chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế nhập cảnh được thực hiện sau khi Malaysia phát hiện các ổ dịch nhỏ lẻ mới lây nhiễm giữa những người trở về từ nước ngoài và những người di cư trái phép. Đến ngày 3/9, Malaysia thông báo nước này có tổng cộng 9.374 ca nhiễm và 128 ca tử vong do COVID-19.

Campuchia giảm phí xét nghiệm COVID-19 cho người nước ngoài

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho người lao động nhập cư tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thông báo điều chỉnh, Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này sẽ chỉ tính phí 100 USD cho hai lần xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với mỗi khách nước ngoài nhập cảnh và sẽ nhanh chóng hoàn tiền đặt cọc cho khách.

Nhằm đảm bảo tính minh bạch trong dịch vụ xét nghiệm và điều trị COVID-19 cho khách nước ngoài nhập cảnh Campuchia, Bộ Y tế nước này thông báo xét nghiệm COVID-19 lần đầu được thực hiện ngay sau khi khách nhập cảnh và xét nghiệm lần hai được tiến hành vào ngày thứ 13 trong thời gian cách ly. 

Khách nước ngoài có thể đăng ký xét nghiệm COVID-19 tại các cơ sở y tế được chỉ định gần nhất và chi phí xét nghiệm được tính vào khoản đặt cọc của khách tại các ngân hàng thương mại có liên kết với Bộ Y tế Campuchia. Số tiền đặt cọc còn lại sẽ được hoàn trả trong vòng 3 ngày sau khi khách nước ngoài nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính lần hai. 

Đầu tháng 8, Chính phủ Campuchia đã quyết định giảm tiền đặt cọc liên quan đến chi phí khám chữa bệnh COVID-19 đối với du khách nước ngoài nhập cảnh từ mức 3.000 USD/người xuống còn 2.000 USD/người. Hành khách đến các sân bay của Campuchia là nhà ngoại giao hoặc quan chức các tổ chức quốc tế, có thị thực ngoại giao (visa A) và công vụ (visa B) sẽ được miễn chi phí xét nghiệm khi nhập cảnh. Tuy nhiên, hành khách được miễn phí xét nghiệm lần đầu sau đó xét nghiệm dương tính với COVID-19 thì chi phí điều trị sẽ do cá nhân, đại sứ quán và các tổ chức quốc tế tự chi trả.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Dịch COVID-19: Thái Lan ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau hơn 100 ngày
Dịch COVID-19: Thái Lan ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau hơn 100 ngày

Sau hơn 100 ngày không có ca lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong cộng đồng, ngày 3/9, Thái Lan đã ghi nhận ca mắc đầu tiên là một người đàn ông vừa bị tống giam tại nhà tù ở thủ đô Bangkok.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN