Tuy nhiên, quãng thời gian này chỉ kéo dài hai tháng, khi các doanh nghiệp trên toàn quốc phải đóng cửa và sa thải nhân viên. Đây là thông tin được Cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) - một tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái - công bố vào ngày 19/7.
Theo NBER, hoạt động kinh tế của Mỹ đã đạt đỉnh tăng trưởng vào tháng 2/2020, nhưng sau đó rơi vào suy thoái kể từ tháng 3. Cuộc suy thoái đột ngột này đã chấm dứt 128 tháng phát triển liên tục của nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong bối cảnh chính quyền các bang và thành phố trên toàn nước Mỹ yêu cầu mọi doanh nghiệp đóng cửa hoặc cắt giảm hoạt động nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Tuy nhiên, sự gia tăng trở lại trong số việc làm và tăng trưởng kinh tế trong tháng 5/2020 và những tháng sau đó đã rút ngắn quãng thời gian kinh tế đi xuống, khiến đây trở thành giai đoạn suy thoái kinh tế ngắn nhất từ trước đến nay của nước Mỹ.
NBER nêu rõ bất cứ cuộc suy thoái nào trong tương lai của nền kinh tế sẽ là một cuộc suy thoái mới, chứ không phải là sự tiếp nối đà suy thoái sau thời kỳ tăng trưởng cao điểm hồi tháng 2/2020. Tuyên bố của NBER được căn cứ theo quãng thời gian phục hồi và năng lực phục hồi của nền kinh tế Mỹ kể từ tháng 5/2020 tính tới thời điểm hiện nay.
Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Số liệu thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy nước này đã mất đi 22 triệu việc làm trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2020, trong khi Tổng sản phẩm nội địa (GDP) hằng năm giảm 31,4% trong quý II/2020 - thời điểm các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt nhất được ban bố.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 7% trong năm nay - tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984, sau khi giảm 3,5% vào năm 2020 - năm tồi tệ nhất kể từ số liệu trên bắt đầu được thống kê vào năm 1946.
Trong khi đó, nhiều người Mỹ trở nên lo lắng về việc chi phí sinh hoạt tăng trong thời gian gần đây. Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn kết quả cuộc khảo sát của Mạng lưới Hành động Mỹ (American Action Network) cho biết, có tới 88% số người được hỏi trả lời rằng họ "phần nào lo lắng" hoặc "vô cùng lo lắng" về chi phí sinh hoạt tăng, trong khi 86% thừa nhận lo lắng về lạm phát, 79% lo lắng về giá xăng tăng và 73% số người được hỏi lo ngại về khả năng bị tăng thuế.
Cuộc thăm dò được American Action Network liên kết với Quỹ Lãnh đạo Quốc hội (Congressional Leadership Fund) - một nhóm vận động cho các thành viên của đảng Cộng hòa tại Hạ viện - thực hiện. Kết quả khảo sát được công bố trong bối cảnh các nhà lập pháp, ứng cử viên và ủy ban vận động tranh cử của đảng Cộng hòa đang nỗ lực nắm bắt tình hình lạm phát gia tăng tại Mỹ, nhằm gây sức ép lớn hơn đối với chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Joe Biden.
Trong khi đó, các cuộc thăm dò khác cho thấy các vấn đề kinh tế, bao gồm cả lạm phát, là mối quan tâm hàng đầu của các cử tri. Một cuộc thăm dò của Fox News được công bố vào cuối tháng trước cho thấy có tới 83% số người được hỏi cho biết họ lo lắng về lạm phát, trong khi 77% bày tỏ lo ngại về thuế.