Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia. Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận tới 10.994 ca COVID-19 và 279 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.089.308 ca và 30.277 ca.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 58 người thiệt mạng. Sau mấy tuần hạ nhiệt, Philippines lại đứng trước lo ngại sóng dịch tái phát khi số ca tử vong tăng cao mấy ngày gần đây. Philippines cũng đứng thứ 2 châu Á về số ca tử vong ngày 1/2.
Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công khi nước này ghi nhận tới 4.214 ca bệnh mới, 10 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 3 châu Á trong vòng 24 giờ, chỉ sau Indonesia và Iran.
Myanmar trong 24 giờ qua không công bố biến động về số liệu dịch COVID-19 (theo trang worldometers.info). Như vậy, hết ngày 1/2, Myanmar có tổng cộng 140.145 người nhiễm virus SARS-Cov-2, trong đó có 3.131 người không qua khỏi.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải tăng cường các biện pháp phòng chống để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng. Trong 24 giờ quan, Thái Lan ghi nhận 836 ca mắc mới.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 45.119 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 347 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.622.910 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.057.660 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Lào, Timor Leste và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 1/2.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 1/2:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Indonesia |
1,089,308 |
+10,994 |
30,277 |
+279 |
883,2 |
Philippines |
527,272 |
+1,658 |
10,807 |
+58 |
487,574 |
Malaysia |
219,173 |
+4,214 |
760 |
+10 |
170,329 |
Myanmar |
140,145 |
|
3,131 |
|
125,072 |
Singapore |
59,565 |
+29 |
29 |
|
59,228 |
Thái Lan |
19,618 |
+836 |
77 |
|
12,514 |
Việt Nam |
1,850 |
+33 |
35 |
|
1,460 |
Campuchia |
466 |
+1 |
|
|
443 |
Brunei |
180 |
|
3 |
|
170 |
Timor-Leste |
70 |
|
|
|
55 |
Lào |
44 |
|
|
|
41 |
Thái Lan ngày 1/2 cho biết 836 ca phát hiện nhiễm mới chủ yếu phát hiện qua xét nghiệm tích cực tại tỉnh Samut Sakhon. Theo Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA), trong số ca nhiễm mới có 832 ca lây nhiễm cộng đồng và 4 ca nhiễm nhập cảnh.
Trong số ca lây nhiễm cộng đồng, 793 ca phát hiện qua xét nghiệm tích cực trong số người nhập cư và công dân Thái Lan tại các nhà máy và cộng đồng tại Samut Sakhon và các khu vực ở ngoại ô phía Tây Nam thủ đô Bangkok.
Thái Lan cho đến nay ghi nhận 19.618 ca nhiễm COVID-19, 17.155 ca trong đó lây nhiễm cộng đồng và 2.463 ca nhập cảnh. Trong tổng số ca nhiễm, 12.514 người đã khỏi bệnh hoàn toàn và xuất viện, trong khi 7.027 người hiện đang điều trị trong bệnh viện và 77 người tử vong.
Bộ Y tế Philippines ngày 1/2 thông báo 1.658 ca nhiễm mới COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 527.272.
Thêm 58 ca tử vong đưa tổng số người không qua khỏi do COVID-19 tại Philippines lên 10.807. Cũng có thêm 27 người khỏi bệnh đưa tổng số người hồi phục lên 487.574. Philippines, với dân số khoảng 110 triệu người, đã xét nghiệm hơn 7,3 triệu người kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 1/2020.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Philippines Rabindra Abeyasinghe đánh giá cao việc Philippines sử dụng biện pháp phong tỏa phòng dịch kéo dài. Trong cuộc họp báo trực tuyến, ông Abeyasinghe nói Philippines có quyết định sáng suốt phong tỏa từ giữa tháng 3/2020 để tăng cường hệ thống y tế của đất nước.
Philippines vẫn thực hiện những mức độ hạn chế phòng dịch khác nhau trong hơn 10 tháng qua khiến nền kinh tế suy giảm 9,5% trong năm 2020. Ông Abeyasinghe xác nhận tại cuộc họp báo rằng các hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech dự kiến sẽ chuyển giao khoảng 117.000 liệu vaccine phòng COVID-19 theo Cơ chế COVAX cho Philippines trong tuần thứ 2 hoặc 3 của tháng Hai. Ông nói WHO đang yêu cầu các nước thành viên ưu tiên 2 nhóm người cao tuổi và nhân viên y tế.
Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thông báo cuối tuần qua việc Philippines sẽ nhận hơn 9 triệu liều vaccine từ các hãng dược Pfizer/BioNTech và AstraZeneca theo cơ chế COVAX trong quý đầu hoặc quý II của năm 2021. Dự kiến, 5,6 triệu liều vaccine sẽ về đến Philippines trong quý I năm 2021. Chính phủ Philippines dự kiến mua 148 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để tiêm chủng cho 70 triệu người Philippines trong năm 2021.
Bộ Y tế Singapore ngày 31/1 thông báo ghi nhận thêm 29 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 59.536 trường hợp. Theo bộ này, toàn bộ số ca mắc mới là trường hợp nhập cảnh.
Cùng ngày, 32 bệnh nhân COVID-19 tại Singapore được điều trị khỏi và xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân bình phục ở nước này lên 59.228 người. Hiện có 44 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị trong bệnh viện, phần lớn sức khỏe ổn định và không có trường hợp nào phải điều trị tích cực.
Indonesia có kế hoạch tiếp nhận khoảng 23,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca trong quý I/2020 trong khuôn khổ Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng phòng chống dịch (CEPI) và Liên minh vaccine toàn cầu (GAVI) đứng đầu.
Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia phụ trách vấn đề vaccine - bà Siti Nadia Tarmidzi, cho biết GAVI xác nhận sẽ có từ 13,7 triệu đến 23,1 triệu liều vaccine AstraZeneca được giao miễn phí cho Indonesia trong quý I, chiếm 25-35% tổng số lượng. Số vaccine còn lại sẽ được giao trong quý II. Những vaccine này có thể được dùng để tiêm cho những người trên 60 tuổi.
Dự kiến, Indonesia có thể tiếp nhận tối đa 108 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 theo cơ chế COVAX. Số vaccine do cơ chế này cung cấp sẽ tạo thuận lợi cho Chính phủ Indonesia đẩy nhanh chương trình tiêm chủng quốc gia được khởi động hôm 13/1 vừa qua.
Tính đến nay, Indonesia đã nhận được các cam kết cung ứng và đặt mua tổng cộng 663 triệu liều vaccine từ các hãng AstraZeneca của Anh, Sinovac của Trung Quốc, Novavax của Mỹ và Canada, và Pfizer của Mỹ.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp chính phủ về công tác kiểm soát và phòng chống đại dịch COVID-19 tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) thừa nhận rằng việc thực hiện các biện pháp hạn chế hoạt động cộng đồng (PPKM) được nước này thực hiện từ ngày 11-25/1 đã không phát huy hiệu quả, thậm chí không có tác dụng trong việc giảm số ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cũng theo ông Jokowi, số liệu thống kê của các cơ quan chức năng Indonesia đã cho thấy tần suất di chuyển của người dân trong thời gian thực hiện PPKM vẫn rất cao. Bản chất của PPKM là hạn chế đi lại và tập trung đông người nhưng điều này đã không được thực hiện triệt để.
Do vậy, các ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt là tại một số tỉnh thành ngoài thủ đô Jakarta. Tổng thống Indonesia đã yêu cầu Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế nước này Airlangga Hartarto mời thêm các chuyên gia để tiếp tục xác định và đề ra các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19 hiệu quả hơn.
Malaysia dự kiến tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech đầu tiên vào ngày 26/2 tới.
Theo thỏa thuận, Pfizer sẽ giao cho phía Malaysia lô hàng đầu tiên gồm 1 triệu liều trong quý I/2021, và lần lượt 1,7 triệu liều, 5,8 triệu liều, 4,3 triệu liều trong các quý tiếp theo.
Sau khi tiếp nhận lô vaccine đầu tiên, Malaysia có kế hoạch phân phối trên toàn quốc trong vòng 1-2 tuần.