Indonesia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất ASEAN trong ngày 31/1 với 12.001 ca, nâng tổng số ca mắc lên 1.078.314 ca. Số người chết trong ngày cũng tăng thêm 270 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 29.998 ca.
Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này có thêm 5.298 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và 14 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 214.959 người và 760 ca tử vong. Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia, Noor Hisham Abdullah, trong số các ca nhiễm mới có 5.295 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 3 ca nhập cảnh. Cho đến nay, 166.049 bệnh nhân đã phục hồi.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo phát hiện thêm 2.103 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 525.618 ca. Quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 80 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 10.749 ca.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 1/2020, Philippines với tổng dân số 110 triệu dân, đã tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho trên 7,3 triệu người. Theo người đứng đầu lực lượng quốc gia ứng phó với dịch bệnh, Carlito Galvez, nước này sẽ có thể nhận 5,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer/BioNTech và AstraZeneca trong quý I/2021 để tiến hành chương trình tiêm chủng trên toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Philippines đang tiến hành đàm phán với ít nhất 7 hãng điều chế vaccine khác với kế hoạch mua 148 triệu liều vaccine để tiêm chủng cho 70 triệu dân trong năm nay.
Thái Lan cũng ghi nhận 829 ca mắc mới trong ngày 31/1, nâng tổng số ca mắc lên 18.792 ca, trong đó 77 ca tử vong. Trong khi đó, Myanmar có 281 ca mắc và 6 ca tử vong mới.
Myanmar tiếp tục đình chỉ các chuyến bay quốc tế
Ngày 30/1, Bộ Giao thông vận tải và Truyền thông Myanmar thông báo gia hạn các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 cũng như kéo dài việc đình chỉ các chuyến bay thương mại quốc tế đến cuối tháng 2 tới.
Ủy ban trung ương cấp quốc gia về Phòng chống, kiểm soát và điều trị COVID-19 cho biết sẽ duy trì các biện pháp chống dịch, lẽ ra hết hiệu lực vào ngày 31/1, trong bối cảnh số ca nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng tại hầu hết các quốc gia và khu vực trên thế giới, cũng như biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh đã lây lan sang nhiều nước khác, bao gồm cả ở châu Á.
Philippines tiếp nhận hơn 5 triệu liều vaccine từ COVAX
Ngày 31/1, cơ quan chuyên trách về đại dịch COVID-19 của Philippines cho biết ít nhất 5,6 triệu liều vaccine COVID-19 của 2 hãng dược quốc tế sẽ tới nước này trong quý I/2021.
Theo lãnh đạo cơ quan trên, ông Carlito Galvez, vaccine được bàn giao là một phần trong tổng số 9,4 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech và vaccine của AstraZeneca. Ông này cho biết đã nhận thư từ giám đốc điều hành cơ chế phân phối vaccine COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng bảo trợ, có nội dung thông báo về lịch trình và số lượng vaccine sẽ bàn giao. Ông Galvez cho biết các ủy ban đánh giá của WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và liên minh vaccine GAVI đã cho phép bàn giao vaccine cho Philippines sau khi nhận thấy nước này đã chuẩn bị sẵn sàng. Philippines cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 2 loại vaccine trên.
Philippines là ổ dịch lớn thứ hai tại Đông Nam Á với trên 500.000 bệnh nhân và trên 10.000 ca tử vong. Nước này dự kiến bắt đầu tiêm chủng trong tháng 2/2021. Philippines ban đầu sẽ tiếp nhận 117.000 liều vaccine của Pfizer/BioNTech từ giữa tháng và 5,5 triệu đến 9,3 triệu liều vaccine của AstraZeneca. Chính phủ nước này đặt mục tiêu đảm bảo được 148 triệu liều vaccine để tiêm cho khoảng 70 triệu dân trong năm 2021, tương đương 2/3 dân số.
Nhiều người dân Thái Lan muốn được tiêm phòng
Kết quả thăm dò dư luận của Đại học Suan Dusit Rajabhat được công bố ngày 31/1 cho thấy hầu hết người dân Thái Lan được hỏi muốn được tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhưng vẫn lo lắng về các tác dụng phụ có thể xảy ra. Cuộc thăm dò được thực hiện theo phương pháp trực tuyến đối với 1.570 người trên khắp đất nước Thái Lan trong thời gian từ ngày 22-29/1.
Khoảng 65,99% số người được hỏi muốn được tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng muốn chờ xem liệu có bất kỳ tác dụng phụ nào không; 20,70% muốn được tiêm chủng ngay lập tức; và 13,31% không muốn tiêm chủng.
Thái Lan đã lên kế hoạch bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 từ tháng tới. Đợt đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra từ tuần thứ ba của tháng 2/2021 và đợt thứ hai sẽ diễn ra sau đó 12 tuần, hoặc khoảng thời gian giữa tháng 5 và tháng 6.
Chủ tịch tiểu ban quản lý vaccine ngừa COVID-19 thuộc Chính phủ Thái Lan, Sophon Mekthon cho biết lô vaccine đầu tiên gồm 50.000 liều của hãng AstraZeneca dự kiến sẽ đến nước này vào tháng 2 và sẽ được tiêm cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu và những người có tình trạng sức khỏe kém ở những tỉnh có số ca nhiễm cao là Samut Sakhon, Nonthaburi, Samut Prakan, Pathum Thani và Tak. Sau đó, vào tháng 6, chính phủ sẽ bắt đầu dành vaccine cho nhiều nhóm hơn.
Theo ông Sophon, trong trường hợp lô vaccine AstraZeneca thứ hai không đến đúng hạn, Thái Lan có thể sẽ sử dụng một biến thể sản xuất trong nước của loại thuốc đó để thay thế. Do chính phủ dự định tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả "những người sống ở Thái Lan" trên cơ sở tự nguyện, việc tiêm vaccine cho những lao động nhập cư sẽ phải liên quan đến các kế hoạch đồng chi trả, trong đó chủ lao động của họ sẽ phải đóng góp.
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri ngày 31/1 cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã đảm bảo rằng việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 sẽ công bằng và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Theo người phát ngôn, công tác tiêm phòng COVID-19 ở Thái Lan bao gồm 3 giai đoạn, trong đó 2 giai đoạn đầu dành cho các đối tượng ưu tiên theo thứ tự và giai đoạn thứ ba là tiêm vaccine cho toàn dân để đưa đất nước trở lại bình thường.
Chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ phát triển vaccine ngừa COVID-19 ở trong nước. Ba loại vaccine tiên tiến nhất đang được phát triển là loại mRNA của Khoa Y thuộc Đại học Chulalongkorn, loại tiểu đơn vị protein (dựa trên thực vật) của Công ty Baiya Phytopharm và Khoa Dược thuộc Đại học Chulalongkorn, và loại DNA của Công ty Bionet-Asia.