COVID-19 tại ASEAN hết 18/3: Cả khối có 13.219 ca bệnh mới; Ca mắc ở Philippines vượt quá mức đỉnh năm 2020

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 18/3, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 13.219 ca mắc COVID-19 và 252 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 2.647.718 ca, trong đó 56.613 người tử vong. 

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại Manila, Philippines, ngày 1/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đứng đầu về số ca mắc COVID-19 trong ngày 18/3 là Indonesia với 6.570 ca. Nước này cũng đứng đầu ASEAN về số ca tử vong trong ngày với 227 ca.

Đứng thứ hai ASEAN về số ca mắc hàng ngày là Philippines với 5.290 ca.

Bộ Y tế Malaysia cho biết tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 328.466 ca, sau khi nước này có thêm 1.213 ca nhiễm mới trong ngày 18/3. 

Tại Thái Lan, 92 ca mới đã được ghi nhận trong ngày 18/3, hầu hết là lây nhiễm trong nước. 

Chuyên gia khuyến cáo ASEAN lập trung tâm ứng phó dịch bệnh

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Bangkok, Thái Lan, ngày 15/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cố vấn đặc biệt về sức khỏe cộng đồng của Thủ tướng Malaysia, Tiến sỹ Jemilah Mahmood, khuyến nghị tất cả các nước ASEAN cần đầu tư để thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các trường hợp khẩn cấp y tế cộng đồng và dịch bệnh mới (ACPHEED) nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng và ứng phó của khu vực. 

Sáng kiến trên được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến “Ứng phó và Chuẩn bị cho Các hiểm họa Tự nhiên trong Đại dịch COVID-19: Chia sẻ những thách thức và bài học từ Malaysia và Nhật Bản” do Viện Công nghệ Quốc tế Malaysia - Nhật Bản (MJIIT), Đại học Kỹ thuật Malaysia tổ chức ngày 17/3.

Bà Mahmood nhấn mạnh: “Khu vực của chúng ta (ASEAN) nên lập trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh và đây là cơ hội vì Nhật Bản đã tài trợ cho việc thành lập trung tâm này”. Theo bà, điều này đòi hỏi chính phủ của 10 quốc gia trong khu vực phải đầu tư vào trung tâm vì khi đó ASEAN sẽ không phải đối mặt với các vấn đề từ cách thức sản xuất vaccine, nghiên cứu, phát hiện công nghệ đằng sau việc sản xuất vaccine, sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm, phát hiện các ca nhiễm bệnh. 

Vị cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Malaysia khẳng định việc thành lập trung tâm này có ý nghĩa rất quan trọng vì ASEAN là một trong những khu vực chịu nhiều tác động nhất, tiếp tục phải đối mặt với các mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm mới và đang tái phát, cũng như các thiên tai. Bà Mahmood cũng đánh giá cao Nhật Bản, quốc gia có uy tín trong việc ứng phó với thiên tai và giảm thiểu rủi ro thiên tai trên cấp độ chính sách và đầu tư vào giải quyết vấn đề này.

Số ca mắc COVID-19 mới tại Philippines chạm mức đỉnh năm 2020

Chú thích ảnh
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 1/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Số ca mắc COVID-19 mới tại Philippines đã lại chạm mức đỉnh từng được ghi nhận trong làn sóng lây nhiễm lần thứ nhất hồi tháng 7/2020.

Theo Alethea de Guzman, quyền Giám đốc Cục Dịch tễ trực thuộc Bộ Y tế Philippines, số ca nhiễm COVID-19 ở nước này có thể lên tới 200.000 ca/tháng nếu như các biến chủng mới được xác định là nguồn lây nhiễm chủ yếu. Số ca mắc tại Vùng Thủ đô Quốc gia hiện đã tới mức đỉnh hồi năm ngoái và xu hướng này cũng diễn ra ở nhiều thành phố khác trên toàn quốc.

Bà De Guzman cho biết, lây nhiễm có xu hướng giảm sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, đón năm mới, nhưng lại gia tăng trở lại vào cuối tháng 1 vừa qua và đặc biệt đáng lo ngại trong vài tuần trở lại đây. Tốc độ lây lan trong hai tuần đầu của tháng 3 cao hơn 2,5 lần so với tháng 1, với các ổ dịch bùng phát không chỉ ở hộ gia đình, mà còn tại nơi làm việc, khối cơ quan, văn phòng. 

Theo người đứng đầu Cục Dịch tễ, có một số nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới gia tăng. Đó là sự xuất hiện các biến chủng mới có nguồn gốc từ Anh và Nam Phi với tốc độ lây lan mạnh hơn. Bên cạnh đó là việc dân chúng vẫn giữ thói quen di chuyển, đi lại nhiều, thiếu ý thức tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu trong bảo đảm sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh ở nơi công cộng. 

Indonesia tiêm vaccine cho nhân viên hàng không

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bali, Indonesia ngày 28/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Indonesia (INACA), ông Denon Prawiraatmadja cho biết nhân viên ngành này sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt đầu từ tháng 4 tới trong nỗ lực nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội và du lịch.

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 18/3, ông Denon cho hay chương trình tiêm chủng cho nhân viên hàng không là một trong ba chương trình mà INACA đang tiến hành nhằm sớm phục hồi ngành này.

Campuchia phòng nguy cơ lây dịch bệnh trong Tết Khmer

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh các ca COVID-19 liên tục gia tăng tại Campuchia sau “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”, ngày 18/3, Tổng cục Cảnh sát quốc gia thuộc Bộ Nội vụ Campuchia đã lên kế hoạch đề phòng nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng trong dịp Tết Khmer truyền thống vào tháng 4 tới.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể khiến người dân Campuchia không được đón một mùa Tết Khmer cổ truyền trọn vẹn như năm 2020, thời điểm chính phủ nước này quyết định hoãn toàn bộ các hoạt động vui chơi, nghỉ Tết như thường lệ để phòng chống dịch COVID-19 lây lan nghiêm trọng hơn. 

Thông tin từ Bộ Nội vụ Campuchia cho biết Tổng cục Cảnh sát quốc gia sẽ triển khai lực lượng trên cả nước để truy trì trật tự và phòng ngừa dịch lây lan mạnh hơn trong tháng 4, đặc biệt là tại các tỉnh giáp biên giới với Thái Lan. Người phát ngôn Tổng cục Cảnh sát quốc gia, Tướng Kim Khoeun không tiết lộ chi tiết kế hoạch của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, báo chí Campuchia cho biết hiện nay, cảnh sát ở tỉnh giáp Thái Lan là Banteay Meanchey đã chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống dòng lao động di cư Campuchia từ Thái Lan đổ về nước đón Tết Khmer. Báo Khmer Times dẫn lời Giám đốc Cảnh sát tỉnh Banteay Meanchey, ông Seth Loh cho biết đã triển khai 700 cảnh sát sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, đặc biệt là những trường hợp vượt biên bất hợp pháp. 

Theo Bộ Y tế Campuchia, từ ngày 10/2 đến 16/3, Campuchia đã tiêm chủng cho 170.659 người dân bằng vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc) hoặc AstraZeneca (Anh). Về phía Bộ Quốc phòng Campuchia, đã có 109.324 quân nhân được tiêm chủng lần 1 và 59.424 người được tiêm lần hai. Tính đến 9h30 sáng 18/3, Bộ Y tế Campuchia xác nhận phát hiện 36 ca mắc mới. Tổng số ca mắc tại Campuchia là 1.541 người và 898 trường hợp đã được điều trị bình phục, 1 ca tử vong.

AstraZeneca đồng ý sản xuất vaccine tại nhà máy của Thái Lan 

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) đã bày tỏ hài lòng về các tiêu chuẩn an toàn tại nhà máy sản xuất vaccine của Thái Lan và sẽ gửi đến đây lô nguyên liệu đầu tiê vào tháng 6 tới để sản xuất vaccine.

Đề cập đến tiến độ sản xuất vaccine nội địa của Thái Lan, Bộ trưởng Anutin ngày 17/3 cho biết một đại diện của AstraZeneca đã đến thăm nhà máy sản xuất vaccine của công ty dược phẩm Siam Bioscience ở Thái Lan và hài lòng với các tiêu chuẩn sản xuất của nhà máy này. Dự kiến, AstraZeneca

Siam Bioscience đang nâng cấp nhà máy ở tỉnh Pathum Thani để sản xuất hàng triệu liều AstraZeneca nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và các nước lân cận ở khu vực Đông Nam Á. 

Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) ngày 18/3 cho biết nước này sẽ mua thêm 100.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) để cung cấp cho chương trình tiêm chủng tư nhân. Số vaccine này sẽ được dùng để tiêm chủng cho lực lượng lao động ở khu vực tư nhân tại Thái Lan và do các doanh nghiệp trả tiền. 

Đến nay, Thái Lan đã nhận được 200.000 liều vaccine của Sinovac và 117.300 liều của AstraZeneca. Đầu tuần này, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã trở thành người đầu tiên tiêm vaccine nhập khẩu của AstraZeneca , và đến nay 53.842 người dân ở nước này được chủng ngừa. Dự kiến, Thái Lan sẽ nhận được thêm 800.000 liều vaccine của Sinovac vào ngày 20/3 tới và 1 triệu liều nữa vào tháng 4. 

Malaysia bắt đầu tiêm vaccine của hãng Sinovac

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 18/3, Malaysia đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 do hãng Sinovac (Trung Quốc) sản xuất trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng quốc gia. Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Khairy Jamaluddin là người đầu tiên ở Malaysia tiêm vaccine này. 

Malaysia đã nhận được một lô vaccine của Sinovac thành phẩm vào ngày 15/3 vừa qua sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm Malaysia cấp phép lưu hành loại vaccine này. Dự kiến, lô tiếp theo sẽ đến Malaysia vào cuối tháng này. 

Chính phủ Malaysia dự kiến sẽ tiêm chủng cho ít nhất 80% trong tổng số 31 triệu dân của nước này trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng quốc gia bắt đầu từ tháng 2 vừa qua, trong đó 20% dân số dự kiến sẽ được tiêm vaccine của Sinovac. Theo kế hoạch, chương trình tiêm chủng của Chính phủ Malaysia sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Dự kiến, chương trình tiêm chủng này sẽ được hoàn tất vào tháng 2 năm sau.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Số ca mắc COVID-19 mới tại Philippines lại chạm mức đỉnh
Số ca mắc COVID-19 mới tại Philippines lại chạm mức đỉnh

Số ca mắc COVID-19 mới tại Philippines đã lại chạm mức đỉnh từng được ghi nhận trong làn sóng lây nhiễm lần thứ nhất hồi tháng 7/2020, Bộ Y tế nước này cho biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN