COVID-19 tại ASEAN hết 1/9: Toàn khối 11.358 ca tử vong, Indonesia chưa tới đỉnh dịch

Tính tới hết ngày 1/9, số ca mắc COVID-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng lên 473.885 ca, trong đó 11.358 người đã tử vong. Số ca tử vong tại Philippines đã lên tới gần 3.600 người.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldmeters.info, trong ngày 1/9, các  nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 6.354 ca mắc COVID-19 tại 6 quốc gia và 128 ca tử vong tại 3 quốc gia, gồm Philippines (39 ca) và Indonesia (88 ca) và Malaysia (1 ca).

Tình hình dịch ở Philippines tiếp tục diễn biến căng thẳng với gần 3.500 ca nhiễm mới trong ngày 1/9, trong khi Indonesia dự báo đỉnh dịch sẽ đến vào giữa tháng 9.

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 1/9/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).  

Tổng thống Widodo: Dịch sẽ lên tới đỉnh vào tháng 9

Theo tờ Straits Times, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo ngày 1/9 cho biết nhiều khả năng dịch COVID-19 sẽ lên tới đỉnh điểm tại nước này vào giữa tháng 9. Ông cũng "rất tự tin" về việc được tiếp cận một loại vaccine an toàn và hiệu quả vào cuối năm 2020 này. 

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Indonesia đã ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục trong 3 ngày liên tiếp ở tuần trước. Số ca tử vong ở nước này cũng cao nhất trong khu vực.

Phát biểu với báo giới tại dinh Tổng thống ở Jakarta, ông Widodo trấn an người dân nên nhìn vào sự sụt giảm số ca đang điều trị tích cực, hiện còn khoảng 41.000 ca. Ông cũng hy vọng nền kinh tế sẽ quay trở lại tăng trưởng trong quý 4 năm nay, và sẽ "tiếp cận mức bình thường" trong năm tới sau khi chương trình chủng ngừa COVID-19 bắt đầu.

Tổng thống Widodo tin tưởng Indonesia sẽ bắt đầu sản xuất vaccine phòng COVID-19 do nước này phát triển kể từ tháng 1/2021 và cho biết nước ông đã ký hợp đồng cung cấp với các nhà sản xuất ở Trung Quốc và UAE, cung cấp 30 triệu liều vaccine COVID-19 trong đợt đầu vào tháng 11 tới. Ông Widodo cũng đã công bố mốc thời gian mới cho kế hoạch tiêm chủng ngừa COVID-19 đại trà và cho biết hàng triệu người dân nước này có thể được tiêm vaccine vào tháng 1/2021.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Surabaya ,Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Widodo nhấn mạnh tổng cộng 170 triệu người Indonesia sẽ được tiêm phòng COVID-19. Với hai liều cho mỗi người, tổng nhu cầu vaccine của cả nước là 340 triệu liều.  Loại vaccine này do Sinovac Biotech - công ty của Trung Quốc có thỏa thuận sản xuất chung với hãng dược phẩm nhà nước Bio Farma của Indonesia – phát triển và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại thành phố Bandung, tỉnh Tây Java, với sự tham gia của hơn 1.600 tình nguyện viên. Ngoài ra, một loại vaccine khác do công ty G42 của UAE phát triển với sự hợp tác của hãng Sinopharm của Trung Quốc. Chính phủ Indonesia sẽ nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc và UAE để hãng dược Bio Farma sản xuất vaccine ở trong nước với sản lượng mục tiêu là 290 triệu liều.

Ngoài vaccine nhập khẩu, Indonesia cũng đang phát triển một loại vaccine riêng có tên "Merah Putih" ("đỏ và trắng" – màu quốc kỳ của Indonesia).  

Malaysia cấm nhập cảnh với công dân các nước tái bùng phát COVID-19 

Ngày 1/9, Bộ trưởng cao cấp Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết những người có giấy phép cư trú dài hạn đến từ Ấn Độ, Indonesia và Philippines sẽ không được phép nhập cảnh Malaysia kể từ ngày 7/9.

Bộ trưởng Ismail nhấn mạnh tình hình dịch COVID-19 tại 3 nước trên diễn biến rất phức tạp trong thời gian gần đây khi các nước này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt. Để ngăn chặn nguy cơ các ca nhiễm bệnh “nhập khẩu” tại Malaysia, chính phủ nước này đã đi đến quyết định nói trên. Quyết định trên sẽ ảnh hưởng đến một loạt đối tượng, bao gồm những người có giấy phép cư trú dài hạn, những người thuộc diện “Malaysia – Ngôi nhà thứ hai của tôi” (tức những người đã mua nhà tại Malaysia), giới chuyên gia, lao động dài hạn, người kết hôn với công dân Malaysia và học sinh sinh viên. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trước đó, Bộ Y tế Malaysia cảnh báo nước này có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng COVID-19 tiếp theo vào cuối năm nay, khi nhiều nước trên thế giới bước vào giai đoạn mùa Đông, mùa được cho là thuận lợi cho sự phát triển của SARS-CoV-2. Giới chức Malaysia lo ngại rằng vào giai đoạn đó, Malaysia sẽ phải đối mặt với nhiều ca nhiễm bệnh mới trong số những người nhập cảnh nước này, bao gồm công dân Malaysia trở về nước và công dân đến từ các nước.

Thái Lan sẵn sàng cho tình huống làn sóng lây nhiễm thứ 2

Cùng ngày 1/9, Bộ Y tế Thái Lan đã đảm bảo với người dân rằng cơ quan này hoàn toàn sẵn sàng cho tình huống nếu Thái Lan phải đối mặt với đợt bùng phát dịch lần thứ hai trong bối cảnh các ca bệnh xuất hiện trở lại ở một số quốc gia.

Phó Tổng thư ký Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm, Tiến sĩ Surachoke Tangwiwat xác nhận Thái Lan có đầy đủ thuốc, dược phẩm, đồ bảo hộ cá nhân (PPE) và khẩu trang N95 cho tất cả các bệnh viện trên toàn quốc. Bác sĩ Surachoke cho biết thêm rằng hiện Thái Lan có gần 630.000 viên thuốc kháng virus Favipiravir cho 8.900 bệnh nhân, Remdesivir dự trữ cho 33 bệnh nhân, hơn 2,3 triệu khẩu trang N95 cho 15.000 bệnh nhân, hơn 1,16 triệu bộ quần áo bảo hộ PPE cho 7.700 bệnh nhân và 45,44 triệu khẩu trang phẫu thuật trong 100 ngày. Ngoài ra, có 45 nhà máy sản xuất khẩu trang với công suất sản xuất 3,41 triệu chiếc mỗi ngày.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan đã trải qua 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, những ca mới được ghi nhận trong những ngày qua đều là những trường hợp công dân hồi hương hoặc người nước ngoài nhập cảnh và đều đã được cách ly. Tính đến ngày 1/9, quốc gia Đông Nam Á này xác nhận tổng cộng 3.417 ca nhiễm, 58 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân Singapore đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh: Straits Times

Ngày 1/9, Singapore ghi nhận 40 ca nhiễm mới , trong đó chỉ có một ca lây nhiễm cộng đồng, một ca nhập cảnh. Số ca lây nhiễm cộng đồng mới trung bình trong tuần qua đã tăng thêm 2 trường hợp so với tuần trước đó. Với 72 bệnh nhân ra viện cùng ngày 1/9, đã có 55.643 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Singapore ghi nhận 27 ca tử vong do các biến chứng COVID-19, trong đó 15 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID nhưng đã tử vong vì các nguyên nhân khác.

Tại Philippines - nước bị ảnh hưởng nhiều nhất Đông Nam Á - tổng số ca bệnh là 224.264 trường hợp sau khi có thêm 3.483 ca mới, và tổng số 3.597 ca tử vong sau khi thêm 39 ca mới trong ngày 1/9. Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 31/8 gia hạn một tháng các biện pháp hạn chế một phần ở trong và quanh thủ đô, đến giữa tháng 9 nhằm ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới áp sát 25,7 triệu người
Số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới áp sát 25,7 triệu người

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 1/9 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 25.694.471 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 855.962 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 17.994.215 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN