Trong ngày 20/5, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Malaysia với 6.806 ca. Tiếp đó là Philippines với 6.100 ca, Indonesia với 5.797 ca, Thái Lan với 2.636 ca, Campuchia với 415 ca.
Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (218 ca), Philippines (135 ca), Malaysia (59 ca), Thái Lan (25 ca) và Việt Nam (2 ca).
Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục
Bộ Y tế Malaysia ngày 20/5 thông báo có thêm 6.806 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Malaysia ghi nhận số ca bệnh trong một ngày ở mức cao kỷ lục.
Với số ca mắc mới này, Malaysia cũng vượt Philippines, đứng đầu ASEAN xét về số ca mắc trong ngày 20/5.
Trước đó, ngày 19/5, Malaysia thông báo 6.075 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Lào tiếp tục áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc
Chính phủ Lào ngày 20/5 ra thông báo gia hạn áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc đến hết ngày 4/6 tới. Đây là lần thứ 2 Lào gia hạn phong toả nhằm ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 tại nước này khiến gần 1.700 người tại 15/18 tỉnh, thành phố mắc bệnh chỉ sau 1 tháng.
Quyết định gia hạn phong toả có hiệu lực từ ngày 21/5 này được ban hành cùng hướng dẫn cụ thể về các biện pháp phòng chống dịch trên toàn quốc theo 3 cấp độ tương ứng với ba màu đỏ, vàng và xanh. Cụ thể, màu vàng và màu đỏ là những khu vực vẫn có các ca mắc mới trong vòng 14 ngày; màu xanh là những khu vực không có ca nhiễm nào từ 14 ngày trở lên.
Theo đó, ngoài yêu cầu tiếp tục đóng cửa các cơ sở thẩm mỹ, hiệu cắt tóc, các điểm du lịch, sòng bạc, các cửa hàng game trên cả nước, thông báo nêu rõ khu vực nào, bản nào nằm trong vùng đỏ phải đóng cửa các nhà máy chế biến công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trừ các nhà máy có khu ăn nghỉ cho công nhân nằm trong khuôn viên của nhà máy, các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất thuốc, sản xuất thiết bị y tế; Người dân không được ra, vào khu vực hoặc bản thuộc màu đỏ hoặc màu vàng, trừ những người được giao nhiệm vụ; Cấm tổ chức hội họp và các hoạt động khác tập trung quá 10 người; Cấm tổ chức tập trung ăn uống mọi hình thức tại khu vực màu đỏ và vàng; Tăng cường thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh tại các cửa hàng bán lẻ, siêu thị, chợ và khu vực có màu đỏ và vàng…
Đối với những khu vực màu xanh, những địa phương nào không có các ca lây nhiễm trong cộng đồng người dân có thể đi lại bình thường; Cho phép nối lại các hoạt động vận chuyển đường bộ giữa các tỉnh không có ca lây nhiễm trong cộng đồng; Cho phép nhà hàng ăn uống, cà phê được mở cửa, nhưng chỉ bán mang về, không cho phép phục vụ khách tại quán; Cho phép mở lại các trường học tại những khu vực mà 14 ngày qua không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng; Cho phép tài xế và người vận chuyển hàng hóa liên tỉnh như bình thường mà không cần bốc dỡ, không cần xét nghiệm và cách ly bắt buộc 14 ngày ở địa phương đến.
Tại cuộc họp báo chiều 20/5, Bộ Y tế Lào thông báo ghi nhận 14 ca nhiễm mới ở nước này trong 24 giờ qua, trong đó có 9 ca nhập cảnh. Đây là số ca mắc mới theo ngày được ghi nhận thấp nhất tại Lào trong gần 30 ngày qua, cho thấy tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Lào tiếp tục có chiều hướng tốt hơn.
Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.751 ca nhiễm, trong đó gần 1.700 ca được phát hiện từ cuối tháng 4 đến nay và ghi nhận 2 trường hợp từ vong.
Campuchia kéo dài lệnh giới nghiêm tại thủ đô
Ngày 20/5, chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã quyết định gia hạn giới nghiêm trong thành phố thêm 1 tuần, từ ngày 20-27/5, để hạn chế nguy cơ lây lan dịch COVID-19.
Trong một thông báo cùng ngày, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng khẳng định lệnh giới nghiêm từ 20h hôm trước đến 3h sáng hôm sau sẽ được thực thi chặt chẽ hơn. Ông nhấn mạnh rằng tất cả những đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt hoặc truy tố theo pháp luật để chặn đứng nguồn lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đô trưởng Khuong Sreng chỉ đạo chính quyền các cấp trong thủ đô nhắc nhở người dân thực hiện đúng các hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế Campuchia về đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Từ ngày 20/5, thủ đô Phnom Penh của Campuchia không còn các “Khu vực Đỏ” mà sẽ chỉ phong tỏa một số ngôi nhà hoặc tòa chung cư riêng biệt có bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia xác nhận 415 ca nhiễm mới tại nước này, trong đó có 4 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 23.697 ca. 15.700 người đã bình phục. Bộ Y tế Campuchia cũng ghi nhận tổng cộng có 164 trường hợp tử vong do COVID-19.
Trong một diễn biến khác, Bộ Y tế Campuchia nhận định số ca lây nhiễm mới hằng ngày đã giảm trên cả nước, nhưng lại xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm bệnh tại các tỉnh ngoài Phnom Penh.
Ngày 19/5, chính quyền tỉnh Kampong Cham ghi nhận tổng số ca nhiễm cho đến nay lên tới 255 người, với 100 trường hợp đã bình phục và 155 người tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện Mekong của tỉnh. Khoảng 3.000 người tại tỉnh này đã được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kampong Cham, Tiến sỹ Kim Sou Phirun phát biểu với báo giới rằng phần lớn các ca dương tính là người đi về từ Phnom Penh.
Trước đó, ngày 18/5, tỉnh Prey Veng cũng ghi nhận 15 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và đa số đều là người từ Phnom Penh. Tương tự là tỉnh Takeo, với tổng số ca nhiễm lên tới 474 trường hợp.