Khi dư luận quốc tế bị cuốn vào làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ, một đợt bùng phát dịch khác cũng đẩy hệ thống y tế của nước láng giềng Nepal vào ngưỡng khủng hoảng, với các phòng điều trị tích cực chật cứng bệnh nhân, các bệnh viện thiếu ôxy trầm trọng.
Nhiều cơ sở y tế tại quốc gia nghèo khó 30 triệu dân này đang phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 do hết giường bệnh, khan hiếm thuốc điều trị. Giới bác sĩ, chuyên gia y tế lo ngại dịch bệnh tại Nepal đang trong chiều hướng xấu hơn so với Ấn Độ. “Hạ tầng y tế của chúng tôi đang trong cơn khủng hoảng. Nhu cầu ôxy quá lớn so với khả năng đáp ứng. Chúng tôi cũng không còn vaccine”, ông Samir Kumar Adhikari, người phát ngôn Bộ Y tế Nepal nói.
Khi làn sóng thứ hai tấn công Ấn Độ, nhiều bang tại nước này áp dụng biện pháp đóng cửa. Người lao động nhập cư Nepal cũng bắt đầu về nước, mang theo mầm bệnh lây lan, là biến chủng B.1.617.2 có nguồn gốc từ Ấn Độ. Biến chủng này hiện chiếm gần 100% các ca nhiễm mới ở Nepal. Dự kiến, sẽ có khoảng 400.000 lao động người Nepal tại Ấn Độ sẽ về nước trong vài tuần tới. Nhưng chỉ những người có triệu chứng mắc bệnh trong số này mới được xét nghiệm khi hồi hương, do Nepal không có đủ vật tư, bộ xét nghiệm.
Giống như ở Ấn Độ, người Nepal có tâm lý chủ quan, tưởng rằng đã đánh bại được COVID-19 sau khi làn sóng lây nhiễm thứ nhất xuất hiện và qua đi với diễn biến nhẹ hơn nhiều so với dự báo trước đó. Điều này khiến người dân lơ là, không còn ý thức phòng bệnh. Các đám cưới, lễ hội tôn giáo, cùng tuần hành chính trị được tổ chức rầm rộ, như thể dịch bệnh đã qua đi.
Tổng hợp các điều kiện nêu trên đã dẫn đến thảm họa. Trong ngày 18/5, Nepal ghi nhận 8.136 ca nhiễm mới, gấp 65 lần so với thời điểm hai tháng trước đó. Tính đến nay, nước này có trên 480.400 ca nhiễm và 5.657 người tử vong. So với làn sóng thứ nhất, đợt dịch này lây lan nhanh hơn và mạnh hơn, số người trong độ tuổi 30-50 tuổi nhiễm bệnh cũng rất nhiều.
Cùng lúc, tỉ lệ xét nghiệm dương tính hiện nay ở Nepal là 50%, tức một nửa số người được xét nghiệm cho kết quả nhiễm SARS-CoV-2. “Đó là một tỉ lệ quá cao, bởi thông thường 15% đã là mức báo động”, Tiến sĩ Sher Bahadur Pun, chuyên gia đầu ngành về dịch tễ tại Bệnh viện Nhiệt đới và Bệnh truyền nhiễm Sukraraj ở thủ đô Kathmandu nói.
Theo ông Adhikari, khan hiếm ôxy đang là thách thức lớn. Dịch bệnh lần này có diễn biến khác lạ, một tuần đầu sau khi nhiễm virus, người bệnh ở thể nhẹ. Nhưng liền sau đó diễn tiến nặng lên, đa số cần phải thở ôxy và bệnh viện không thể đáp ứng cho tất cả. Chính phủ đã ra quy định về định mức bình ôxy trên đầu mỗi bệnh viện, nhằm đảm bảo phân phối công bằng ôxy. Nhưng cũng chính vì vậy mà nhiều bệnh viện đã phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân.
Thông thường, Nepal sẽ hướng sang Ấn Độ để nhập ôxy, cũng như những mặt hàng thiết yếu khác. Nhưng Ấn Độ giờ đây cũng chìm trong khủng hoảng. New Dehlhi cũng cấm xuất khẩu vaccine, do nhu cầu trong nước tăng vọt, đẩy Nepal và nhiều nước khác như Bangladesh, Sri Lanka phải dốc sức tìm kiếm nguồn cung thay thế, thông qua sáng kiến vaccine Covax.
Bà Sara Beysolow Nyanti, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Nepal mới đây đã có có cuộc thị sát tới nhiều bệnh viện ở nước này, nơi bà tận mắt chứng kiến cảnh bệnh nhân COVID-19 phải điều trị ở hành lang, khu sân sau, một hình ảnh khiến bà “nhói tim”. Bà Nyanti tin rằng, thảm kịch ở Nepal rất nghiêm trọng, nhưng bị lu mờ bởi những gì đang xảy ra ở Ấn Độ. Theo bà, hệ thống y tế tại Ấn Độ dù có hạn chế, nhưng vẫn tốt hơn ở Nepal.