Trong ngày 22/11, số ca mắc mới chủ yếu tập trung ở Indonesia, Philippines và Malaysia. Singapore và Thái Lan ghi nhận trên 10 ca mắc. Campuchia thêm một ca mắc mới.
Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng thêm 4.360 ca, nâng tổng số ca lên 497.6 ca; số ca tử vong tăng thêm 110 ca, nâng tổng số ca lên lên 15.884 ca. Indonesia là nước có số ca mắc và tử vong mới cao nhất ASEAN trong ngày 22/11.
Các ca COVID-19 mới đã được ghi nhận sau hàng loạt cuộc tụ tập đông người xung quanh sự kiện lãnh đạo Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo Rizieq Shihab trở về sau khi tự lưu vong ở Saudi Arabia. Dữ liệu của nhóm đặc nhiệm chống COVID-19 quốc gia cho thấy trong 15 người được lấy mẫu xét nghiệm ở Petamburan, Trung Jakarta thì có 7 người dương tính với COVID-19. Một báo cáo khác cũng cho thấy 50 người ở Tebet, Nam Jakarta đã nhiễm COVID-19.
Giới chức Indonesia đã kêu gọi người dân hợp tác và nhắc nhở họ khai báo và lấy mẫu xét nghiệm nếu đã tham gia các cuộc diễu hành chào mừng ông Rizieq.
Rizieq, người trở về Indonesia sau 3 năm ở Saudi Arabia, đã bị phạt hơn 3.500 USD vì không tuân thủ quy tắc y tế phòng chống dịch COVID-19 khi không hạn chế số khách mời tới dự lễ cưới con gái ngày 14/11. Sự trở về của ông này đã khiến dư luận giận dữ vì người ủng hộ ông này đã tổ chức diễu hành với sự tham gia của hàng nghìn người.
Đứng thứ hai là Philippines. Bộ Y tế Philippines công bố thêm 1.9 ca mắc trong ngày, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 418.818 ca. Số ca tử vong tại quốc gia này tăng thêm 43 ca, lên 8.123.
Bộ Y tế Philippines cho biết 5 khu vực có số ca mắc COVID-19 mới cao nhất là Cative với 107 ca, thành phố Quezon với 97 ca, thành phố Davao với 86 ca, Laguna với 84 ca và Quezon với 77 ca.
Các ca bệnh đang điều trị giảm 5,8% từ 33.224 xuống 24.209 ca so với một ngày trước đó. 10.957 ca đã được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số người khỏi bệnh lên 6.486.
Trong số các bệnh nhân, 82,5% có triệu chứng nhẹ, 8,2% có triệu chứng nặng và 0,28% có triệu chứng trung bình.
Trên 5,1 triệu người trên toàn quốc đã được xét nghiệm. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính là 9,2%.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đồng ý chấm dứt lệnh cấm nhân viên y tế ra nước ngoài làm việc.
Bộ trưởng Lao động Silvestre Bello cho biết COVID-19 đã lây lan chậm hơn và tình hình đang cải thiện, vì thế chính phủ có thể để nhân viên y tế ra nước ngoài.
Philippines là nước ASEAN có số ca COVID-19 cao thứ hai, nhưng số ca mắc và tỷ lệ tử vong hàng ngày đã giảm.
Trước đó, để đảm bảo Philippines có đủ nhân viên y tế để chống đại dịch trong nước, chỉ 5.000 nhân viên y tế được ra nước ngoài mỗi năm. Năm 2019, gần 17.000 y tá đã ký hợp đồng lao động ở nước ngoài. Chính phủ đã cấm tạm thời nhân viên y tế rời nước từ hồi tháng 4. Tháng 9, hàng nghìn người đã kêu gọi chính phủ cho phép họ làm việc ở nước ngoài. Y tá cho biết họ được trả lương thấp, không được coi trọng và bảo vệ ở Philippines.
Nhân viên y tế Philippines đang trên tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện ở Mỹ, châu Âu, Trung Đông…
Đứng thứ ba ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 22/11 là Malaysia. Bộ Y tế Malaysia thông báo ghi nhận 1.096 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 54.775 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Malaysia ghi nhận số ca mắc ở bốn con số.
Selangor đã trở thành bang có số ca mắc mới cao nhất ngày 22/11 với 603 ca. Đây là số ca mắc hàng ngày cao nhất ở bang đông dân nhất này từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1. Kỷ lục trước đó là 407 ca vào ngày 19/11.
Tổng giám đốc cơ quan y tế Malaysia cho biết 536 ca ở bang Selangor là thuộc các chùm ca bệnh hiện nay, còn 39 ca được phát hiện từ các địa điểm khác.
Số ca tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này tăng thêm 3 ca, lên 335 ca. Các ca tử vong đều ở Sabah và trong độ tuổi đến 90, đều có bệnh nền.
Số ca đang được chữa trị là 12.843 ca, trong đó 106 người nằm ở khoa điều trị tích cực. 46 người cần dùng máy thở.
Trong khi đó, Campuchia đã ghi nhận một ca dương tính với COVID-19 ngày 22/11. Người này đã ở trung tâm cách ly gần 4 tuần từ khi về từ Nhật Bản. Thanh niên 27 tuổi này về thủ đô Phnom Penh ngày 26/10 và ở trung tâm cách ly từ đó vì 4 hành khách cùng chuyến bay đã xét nghiệm dương tính ngày 27/10 và 8/11.
Vào ngày cách ly thứ 13, người này được lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 4 và kết quả là dương tính với COVID-19. Bệnh nhân đang được điều trị tại trung tâm y tế Chak Angre ở nam Phnom Penh. Campuchia đang điều trị 11 ca bệnh.