Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 16 giờ ngày 22/11, châu lục này ghi nhận tổng cộng 15,49 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tương đương 27% tổng số ca nhiễm toàn cầu. Đây là châu lục có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới, sau châu Á (15,69 triệu ca). Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng số ca nhiễm mới hiện nay, châu Âu nhiều khả năng sớm trở thành "tâm chấn" dịch bệnh, bất chấp nhiều nước đã đẩy mạnh các biện pháp ứng phó.
Trong 24 giờ qua, Nga, Đức và Bulgaria tiếp tục ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới. Tại Nga, tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 2,08 triệu ca, sau khi xác nhận 24.581 trường hợp dương tính trong ngày 22/11. Nga hiện là nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao thứ hai tại châu Âu, sau Pháp (2,12 triệu ca).
Đức ngày 22/11 thông báo 15.741 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại Đức là 918.269 người.
Tại Bulgaria, nước này ghi nhận số ca nhiễm tăng gấp 3 lần trong gần 4 tuần qua, lên 120.697 ca (tính đến sáng 22/11). Bộ Y tế Bulgaria cho biết trong 24 giờ qua, nước này có thêm 2.279 ca nhiễm.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20), từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi thế giới nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống COVID-19, trong đó có việc phân bổ vaccine phòng ngừa COVID-19.
Bà Merkel nhấn mạnh chỉ với nỗ lực toàn cầu, thế giới mới có thể vượt qua được những thách thức lớn như đại dịch COVID-19. Để có thể kiểm soát đại dịch, cần tạo điều kiện để mọi quốc gia đều có thể tiếp cận vaccine với mức giá phải chăng. Bà kêu gọi củng cố Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và hỗ trợ thêm cho sáng kiến tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) của Liên hợp quốc.