Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Việt Nam.
Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba.
Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong đứng thứ hai toàn khối.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Ngày 24/5, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao nhất khu vực, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 61 trường hợp không qua khỏi.
Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 28 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 24/5 ghi nhận thêm trên 2.710 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong tăng mạnh là 31 người.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 556 bệnh nhân mới và 3 ca tử vong trong ngày 24/5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 76.042 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 332 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.819.367 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.2.793 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/11 nước ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Ngày 24/5, Malaysia và Philippines tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới. Cùng ngày 24/5, Malaysia công bố 6.509 ca mắc mới, gần mức cao kỷ lục 6.976 ca được ghi nhận một ngày trước đó, và thêm 61 ca tử vong. Như vậy đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng hơn 500.000 ca mắc, trong đó có 2.309 ca tử vong.
Bộ Y tế Philippines thông báo đã có thêm 4.973 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này lên 1.184.706 ca. Số ca tử vong tại đây cũng tăng thêm 39 ca lên 19.983 ca.
Kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, Philippines đã tiêm được hơn 4 triệu liều vaccine. Chính phủ Philippines cho biết tính đến ngày 22/5, gần 1 triệu người đã được tiêm đủ liều vaccine trong khi quốc gia có hơn 110 triệu dân này đặt mục tiêu tiêm cho 70 triệu người trong năm nay để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Philippines Rabindra Abeyasinghe đánh giá cao nỗ lực của nước này trong công tác triển khai tiêm vaccine dù gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn cung.
Tại Bangkok, giới chức Thái Lan ngày 24/5 đã xác nhận một ổ dịch COVID-19 mới liên quan đến công trường xây dựng tuyến tàu điện trên cao ở tỉnh Nonthaburi giáp với thủ đô.
Các mẫu xét nghiệm của 900 công nhân được lấy hôm 22/5 và kết quả xác nhận ngày 24/5 cho thấy có 519 công nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Nhà chức trách Thái Lan nói rằng hầu hết các công nhân tại công trường là người nhập cư và sẽ được cách ly tại công trường, trong khi những công nhân người Thái Lan sẽ được đưa tới bệnh viện dã chiến. Công trường này đã được yêu cầu đóng cửa từ tối 24/5.
Trong những ngày qua, Thái Lan đã phát hiện nhiều ổ dịch COVID-19 ở các công nhân xây dựng tại thủ đô Bangkok. Nhà chức trách tuần trước cũng phát hiện 36 ca nhiễm biến chủng virus B.1.617.2 có nguồn gốc từ Ấn Độ với khả năng lây lan cao hơn trong các khu nhà của công nhân xây dựng ở Bangkok.
Số ca tử vong vì COVID-19 ở Thái Lan đã vượt 800, với 30 người được ghi nhận không qua khỏi trong 24 giờ qua. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 806 ca tử vong trong tổng số 132.213 ca mắc. Đợt bùng phát COVID-19 thứ ba từ đầu tháng 4 đến nay chiếm gần 80% số ca nhiễm bệnh ở Thái Lan và gần 90% số ca tử vong từ trước tới nay.
Ngày 24/5, Bộ Y tế Lào thông báo ghi nhận 21 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, gồm 10 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 11 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Sau hơn 1 tháng thực hiện lệnh phong tỏa, thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là điểm nóng của dịch COVID-19 tại Lào với 9 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Điều này cho thấy tình hình dịch vẫn còn phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.
Trước tình hình này, Chính quyền thủ đô Viêng Chăn vừa ra quy định mới trong việc cấp phép ra vào thành phố, theo đó mọi cá nhân, tổ chức, pháp nhân cả Lào và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Viêng Chăn muốn ra vào thành phố phải được Ủy ban chuyên trách về phòng chống dịch bệnh COVID-19 cấp phép.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 24/5, Đại diện Bộ Y tế Lào cho biết các nước trong khu vực đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ và Nam Phi, có tốc độ lây lan nhanh hơn biến thể ở Anh hiện đã được ghi nhận tại Lào. Bộ trên kêu gọi người dân không ra khỏi nhà nếu không có việc cấp thiết và thực hiện nghiêm các quy định phòng ngừa dịch COVID-19.
Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.822 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.133 người và chỉ ghi nhận 2 ca tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia thông báo trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 556 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 15 ca nhập cảnh và 540 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 3 ca tử vong do COVID-19 và 658 người đã bình phục.
Campuchia có thêm một ngày số ca bình phục vượt quá số ca mắc mới COVID-19. Tuy nhiên, số ca mắc mới tại các tỉnh như Kampong Chhnang, Takeo, và Svay Rieng tiếp tục tăng. Tính đến ngày 24/5, bộ trên xác nhận có tổng cộng 25.761 ca mắc COVID-19, trong đó 18.359 người đã bình phục và 179 người không qua khỏi.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Phnom Penh, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ngày 23/5 cho biết sẽ xem xét tái áp đặt lệnh giới nghiêm tại thủ đô nếu chính quyền phát hiện người dân địa phương và người nước ngoài không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, nếu số ca mới không giảm và người dân vi phạm hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế về đeo khẩu trang, xịt cồn kháng khuẩn và đảm bảo giãn cách, lệnh giới nghiêm có thể được áp dụng trở lại. Ông Khuong Sreng cũng cho biết sẽ yêu cầu giới chức 14 quận tiến hành kiểm tra các nhà hàng và các điểm giải trí về thực hiện các quy định y tế.
Giới chức Singapore đã phê duyệt tạm thời hình thức xét nghiệm bằng hơi thở có khả năng phát hiện người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 chỉ trong chưa đầy 1 phút, qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm.
Công ty khởi nghiệp Breathonix, thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết hiện công ty đang phối hợp với Bộ Y tế để triển khai thí điểm công nghệ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng hơi thở tại một trong những cửa khẩu giữa Singapore với Malaysia. Việc phân tích hơi thở sẽ được thực hiện song song với xét nghiệm nhanh kháng nguyên của virus SARS-CoV-2, vốn đang được áp dụng bắt buộc hiện nay. Theo các kết quả thử nghiệm lâm sàng mà công ty Breathonix thực hiện tại Singapore vào năm ngoái, xét nghiệm bằng hơi thở đạt độ chính xác hơn 90%.
Hệ thống xét nghiệm bằng hơi thở sử dụng các ống ngậm dùng một lần và được thiết kế để đảm bảo tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Sau khi người làm xét nghiệm thổi vào thiết bị, các hợp chất hóa học trong hơi thở sẽ được phân tích để xác định xem có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không. Bất kỳ cá nhân nào được khám sàng lọc cho kết quả dương tính sẽ cần phải xét nghiệm PCR để xác nhận kết quả chính xác.