Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.
Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cao nhất khu vực. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với giai đoạn trước. Trong 1 ngày qua, Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á.
Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao gấp đôi “tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong chưa hề giảm so với các ngày trước. Tình hình dịch bệnh tại Philippines đang nóng nhất khu vực ASEAN.
Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 7 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 26/4 ghi nhận thêm 1.972 ca bệnh mới và 2 ca tử vong.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 561 bệnh nhân mới và 3 ca tử vong trong ngày 26/4. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 66.051 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 245 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.267.053 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.940.948 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Tại Indonesia, ngày 26/4, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được cho là khiến các ca lây nhiễm gia tăng đột biến tại Ấn Độ đã được phát hiện tại Indonesia.
Phát biểu họp báo trực tuyến, ông Budi nêu rõ: “Biến thể virus mới được cho là nguyên nhân hàng đầu khiến số ca bệnh tại Ấn Độ tăng cao đã xâm nhập vào Indonesia và lây nhiễm cho 10 người”. Có hai biến thể mới được cho là khiến các ca mắc COVID-19 tăng đột biến tại Ấn Độ, cụ thể là B117 và B1617. Tuy nhiên, ông Budi không tiết lộ thêm chi tiết về biến thể đã lây nhiễm cho 10 người nói trên.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Y tế về chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19, bà Siti Nadia Tarmizi cho hay biến thể virus mà ông Budi đề cập là B117 và được phát hiện tại Indonesia vào ngày 25/4. Theo ông Budi, 6 trong số 10 người nhiễm biến thể từ Ấn Độ là các ca nhập cảnh, trong khi số còn lại là các ca lây nhiễm nội địa tại các tỉnh Sumatra, Tây Java và Nam Kalimantan.
Ngày 26/4, Chính phủ Campuchia thông báo gia hạn thêm 7 ngày lệnh phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao đến ngày 5/5 tới để ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19.
Cùng ngày Bộ Y tế Campuchia xác nhận thêm 580 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc ở nước này vượt ngưỡng 10.000 ca. Trong số các ca mắc mới có một ca nhập cảnh là trường hợp công nhân Campuchia trở về từ Thái Lan hôm 24/4, số còn lại đều liên quan tới “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”.
Thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao (tỉnh Kandal) đang trong đợt phong tỏa kéo dài hai tuần do dịch COVID-19 từ ngày 15/4. Theo đó, người bán buôn, cửa hàng tạp hóa, siêu thị, cửa hàng bán gas và nhà hàng phục vụ mang đi được phép tiếp tục hoạt động nhưng với số nhân viên giới hạn. Chính quyền sẽ giám sát những hoạt động này để đảm bảo chỉ được cung cấp dịch vụ thiết yếu. Các dịch vụ viễn thông, bưu chính, tài chính và ngân hàng được hoạt động với số nhân viên tối thiểu. Tuy nhiên, các lò mổ gia súc, gia cầm, các nhà máy và đơn vị sản xuất lương thực, thực phẩm có thể tiếp tục hoạt động bình thường trở lại để đảm bảo an ninh lương thực. Các công ty sản xuất trang thiết bị y tế, dung dịch rửa tay, cồn và máy thở cũng được miễn trừ các quy định của lệnh phong tỏa.
Ngoài việc kéo dài thời gian phong tỏa, Chính phủ Campuchia bổ sung thêm qui định mới phân chia các khu vực thành “Khu vực Đỏ”, “Khu vực Vàng đậm” và “Khu vực Vàng”. Quyết định của Chính phủ Campuchia sẽ có hiệu lực bắt đầu từ 00h00 ngày 29/4 tới. Cụ thể, "Khu vực Đỏ" được xác định là khu vực địa lý đang có dịch bệnh COVID-19 lây nhiễm nghiêm trọng trong cộng đồng. Tiếp đó, "Khu vực Vàng đậm” - tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng ở mức trung bình và "Khu vực Vàng" là khu vực có tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp. Tính đến thời điểm này, 3.577 bệnh nhân COVID-19 được điều trị bình phục tại Campuchia. Tổng số ca tử vong là 79 người.