Trong ngày 29/7, khu vực Đông Nam Á tiếp tục là nơi ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19. Quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất vẫn là Indonesia với 43.479 ca.
Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Thái Lan với 17.669 ca. Tiếp đó là Malaysia với 17.170 ca, Việt Nam với 7.594 ca, Philippines với 5.735 ca, Campuchia với 765 ca, Lào với 241 ca và Singapore với 133 ca.
Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (1.893 ca), Philippines (176 ca), Malaysia (175 ca), Thái Lan (165 ca), và Campuchia (11 ca).
Indonesia phát hiện 923 ca mắc biến thể nội địa
Ngày 29/7, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết nước này đã phát hiện 923 ca mắc biến thể nội địa B14662 của virus SARS-CoV-2.
Theo bà Nadia, biến thể này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2020 tại một số tỉnh, thành của Indonesia và đã được đưa vào danh sách “cảnh báo cần theo dõi thêm” của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển thuộc Bộ Y tế Indonesia cho biết tính đến ngày 27/7, quốc gia này đã phát hiện 1.016 ca mắc 3 biến thể đáng quan ngại, trong đó có 60 ca mắc biến thể Alpha, 13 ca mắc biến thể Beta và 943 ca mắc biến thể Delta.
Campuchia phong tỏa 8 tỉnh giáp Thái Lan
Bộ Y tế Campuchia ngày 29/7 ra thông cáo xác nhận có 765 ca mắc mới COVID-19 ở nước này trong 24 giờ qua, bao gồm 328 ca nhập cảnh và 337 ca lây nhiễm cộng đồng. Có thêm 11 người tử vong do COVID-19 ở Campuchia trong 24 giờ qua. Đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 75.917 ca mắc COVID-19, trong đó .6 người đã khỏi bệnh và 1.350 người tử vong.
Trong bối cảnh số ca mắc mới nhập cảnh luôn ở trên ngưỡng 300 ca trong nhiều tuần trở lại đây trong khi biến thể Delta lây lan trong cộng đồng, Chính phủ Campuchia đã quyết định phong tỏa toàn bộ 8 tỉnh giáp biên giới với Thái Lan và áp dụng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm biến thể nguy hiểm này.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã ký quyết định thực hiện chiến dịch tăng cường biện pháp phòng chống dịch COVID-19 kéo dài 2 tuần, bắt đầu từ ngày 29/7 đến ngày 12/8 tới. Sau khi quyết định của Thủ tướng Hun Sen được công bố đêm 28/7, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ngày 29/7 cũng đã ký ban hành quyết định cấm tụ tập trên 10 người và hạn chế đi lại từ 21h tối hôm trước đến 3h sáng hôm sau. Quyết định có hiệu lực trong vòng 14 ngày từ 12h trưa 29/7 đến 12h trưa 12/8.
Cùng với việc thực hiện khẩn cấp chiến dịch trên, Campuchia tiếp tục đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine nhằm đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất có thể. Tính đến hết ngày 27/7 vừa qua, 7.043.969 người dân Campuchia và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại đây đã được tiêm phòng COVID-19. Theo thông báo mới nhất của Đại sứ quán Anh tại Campuchia, nhằm hỗ trợ Campuchia phòng chống dịch COVID-19, Vương quốc Anh tặng Campuchia 415.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca do Công ty Oxford Biomedica của Anh sản xuất. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 28/7 cho biết trong tuần này, Anh sẽ bắt đầu bàn giao 9 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Campuchia, thông qua cơ chế phân bổ vaccine COVAX. Một quan chức cấp cao của Campuchia cho biết lô vaccine do Anh viện trợ có thể đến Campuchia vào đêm 4/8 tới.
Nhiều người tại Lào dương tính sau khi hết thời gian cách ly
Gần đây, Lào liên tục ghi nhận các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 là người nhập cảnh đã hoàn thành thời gian cách ly và được trở về nhà.
Chính quyền tỉnh Savannakhet cho biết tỉnh này đã ghi nhận 4 lao động Lào trở về từ nước ngoài có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi được phép rời trung tâm cách ly trở về nhà. Nhà chức trách đã phong tỏa nơi các bệnh nhân sinh sống và đang tiến hành xác minh những người tiếp xúc gần để đưa đi cách ly.
Cùng với tỉnh Savannakhet, tỉnh Xayaboury cũng ghi nhận 2 trường hợp dương tính sau khi đã hoàn thành 14 ngày cách ly cùng 2 lần xét nghiệm âm tính. Ngay sau đó, chính quyền tỉnh đã phong tỏa khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào đã tăng thời gian giám sát y tế đối với lao động nhập cảnh Lào không mắc COVID-19 từ 14 ngày lên 21 ngày để đảm bảo có thể phát hiện được các ca bệnh muộn.
Về chương trình tiêm chủng, Bộ Y tế Lào cho biết hơn 400.000 người ở Viêng Chăn đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, tương đương trên 40% dân số thủ đô Lào. Theo đó, Lào đặt mục tiêu trong năm nay sẽ tiêm chủng cho khoảng 80% dân số Viêng Chăn và 50% dân số cả nước.
Philippines quyết tâm bảo vệ người dân trước biến thể Delta
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ra lệnh mở chương trình tiêm chủng cho mọi người dân muốn tiêm vaccine COVID-19 trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực ngăn chặn các biến thể ca virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, đặc biệt là biến thể Delta, lây lan ra diện rộng.
Trong bài phát biểu tối 28/7, Tổng thống Duterte nêu rõ: “Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những ai muốn tiêm phòng”. Ông cũng bày tỏ lo ngại về biến thể Delta nguy hiểm đang lây lan với tốc độ nhanh biến khu vực Đông Nam Á trở thành tâm dịch của thế giới.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu chỉ thị của Tổng thống Duterte có phải là nhằm vào những người không nằm trong các nhóm ưu tiên tiêm phòng của chính phủ hay không. Do nguồn cung vaccine bị hạn chế, Philippines đang ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lực lượng nhân viên y tế, người cao tuổi và người trưởng thành trong độ tuổi lao động.
Chỉ có 6% trong tổng số 110 triệu dân ở Philippines đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ trong khi hàng triệu người vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Chính phủ Philippines đang đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu dân trước cuối năm nay.
Cho đến nay, nước này đã ghi nhận 119 ca nhiễm biến thể Delta. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng có thể có thêm các ca nhiễm chưa phát hiện do tiến độ giải trình tự gene của nước này còn chậm.
Với hơn 1,5 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 27.000 ca tử vong, Philippines là nước chịu tác động lớn thứ hai của dịch COVID-19 ở Đông Nam Á, sau Indonesia.
Thái Lan thắt chặt giao thông liên tỉnh
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu tỉnh trưởng của 12 tỉnh thuộc “vùng đỏ sẫm” kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện giám sát chặt chẽ giao thông liên tỉnh tối đa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Tiếp theo cuộc họp với Thống đốc Bangkok đầu tuần này, ngày 28/7, Thủ tướng Prayut đã có cuộc họp khẩn theo hình thức trực tuyến với tỉnh trưởng các tỉnh Pathum Thani, Chon Buri, Nonthaburi, Nakhon Pathom, Samut Sakhon, Ayutthaya, Chanchoengsao, Samut Prakan, Pattani, Narathiwat, Yala và Songkha, trong bối cảnh số ca mắc mới tại Thái Lan liên tiếp lập mốc mới. Tại cuộc họp, Thủ tướng Prayut hy vọng tình hình dịch COVID-19 ở Thái Lan sẽ cải thiện trong 4-6 tuần tới, song bày tỏ lo ngại việc người dân sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Thủ tướng Prayut cho biết Thái Lan không phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế, kể cả thuốc men và bình khí oxy, đồng thời khẳng định vaccine ngừa COVID-19 vẫn sẽ được phân phối cho các tỉnh theo chính sách của chính phủ.
Tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul đã đảm bảo rằng từ tháng 8 trở đi, Thái Lan sẽ có trung bình 10 triệu liều vaccine mỗi tháng và trung bình 1 triệu liều vaccine sẽ được tiêm mỗi ngày. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Y tế cộng đồng của Thượng viện Chalermchai Boonyaleepun cảnh báo có thể có khoảng 400.000-500.000 ca mắc COVID-19 không có triệu chứng ở Bangkok. Tiến sĩ Chalermchai nói rằng các trường hợp có triệu chứng chiếm 20% số ca lây nhiễm, trong khi các trường hợp không có triệu chứng chiếm tới 80%.
Sáng 29/7, Bộ Y tế Thái Lan cho biết số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tại Thái Lan trong 24 giờ qua lại tăng mạnh, thiết lập các mốc mới. Cụ thể, nước này có thêm 17.669 ca mắc mới và 165 ca tử vong do COVID-19. Như vậy, kể từ khi dịch bùng phát đến nay, Thái Lan đã có 561.030 ca nhiễm, trong đó có 370.492 người đã khỏi bệnh và 4.562 người không qua khỏi.