COVID-19 tại ASEAN hết 30/12: Cả khối thêm 442 ca tử vong; Thái Lan yêu cầu công chức làm việc ở nhà sau kỳ nghỉ Năm mới

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 30/12, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 27.435 ca mắc COVID-19 và 442 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 14.844.414 ca, trong đó 304.287 người tử vong.

Chú thích ảnh
Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 29/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày 30/12, Việt Nam tiếp tục có số ca mắc mới cao nhất ASEAN với 17.000 ca.

Tiếp đó là Malaysia với 3.3 ca mắc mới. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.750.516 ca mắc COVID-19. 

Thái Lan ghi nhận 3.037 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc từ đầu đại dịch lên 2.220.324 ca mắc. 

Tiếp đó là Philippines với 1.623 ca mắc mới; Lào với 1.272 ca mắc mới; Singapore với 341 ca mắc mới; Myanmar với 276  ca mắc mới; Indonesia với 189 ca mắc mới và Campuchia với 14 ca mắc mới.

Về số ca tử vong, 9 quốc gia ASEAN ghi nhận ca tử vong mới: Việt Nam (240 ca), Philippines (133 ca), Malaysia (36 ca), Thái Lan (25 ca), Indonesia (7 ca), Lào (5 ca), Singapore (1 ca), và Campuchia (1 ca). 

Thái Lan yêu cầu công chức làm việc tại nhà sau kỳ nghỉ Năm mới

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang tại trung tâm thương mại ở  Bangkok, Thái Lan ngày 24/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 30/12, Bộ Y tế Thái Lan cho biết nhằm ngăn chặn biến thể Omicron, các quan chức chính phủ sẽ làm việc tại nhà sau kỳ nghỉ Năm mới 2022, trong khi học sinh có thể quay lại học trực tuyến. Khu vực tư nhân cũng đang được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà.

Số ca nhiễm biến thể Omicron ở Thái Lan đang gia tăng với 740 ca được xác nhận ở 33/77 tỉnh, trong đó 489 ca là các trường hợp nhập cảnh và số còn lại là các ca lây nhiễm trong cộng đồng có liên quan đến những trường hợp này. Ngày 29/12, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) đã yêu cầu các quan chức nhà nước phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu về làm việc tại nhà trong hai tuần sau kỳ nghỉ Năm mới. 

Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết Bangkok vẫn có số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày cao nhất và có thêm nhiều tỉnh thuộc vùng Đông Bắc đã được đưa vào danh sách 10 địa phương có tỷ lệ ca nhiễm mới cao nhất.  Điều này cho thấy tình hình COVID-19 đang gia tăng ở vùng Đông Bắc. Những người đi đến khu vực này được khuyến cáo không lơ là phòng dịch.

Trong khi đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã kêu gọi người dân cẩn thận hơn khi đón Năm mới, luôn đeo khẩu trang và cố gắng tránh những khu vực đông người.

Philippines duy trì cảnh báo dịch bệnh COVID-19 ở cấp độ 2 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại thành phố Marikina, Philippines, ngày 29/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 30/12, Philippines cho biết nước này sẽ duy trì cảnh báo dịch bệnh COVID-19 ở cấp độ 2 cho đến ngày 15/1/2022 bất chấp sự gia tăng số ca nhiễm mới và quan ngại về biến thể Omicron. 

Theo người phát ngôn của Tổng thống Philippines, Karlo Nograles, ở mức cảnh báo cấp độ 2, một số doanh nghiệp và sự kiện tại các địa điểm trong không gian kín được phép hoạt động với tối đa 50% công suất và áp dụng với những người đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản, nhóm đối tượng dưới 18 tuổi và thậm chí cả những những người chưa tiêm chủng; đối với các cơ sở ngoài trời, công suất hoạt động tối đa là 70% với điều kiện tất cả những người tham gia đã tiêm đủ liều cơ bản. 

Bộ Y tế Philippines cho biết nước này đang chứng kiến số ca COVID-19 tăng mạnh khi ngày càng nhiều người dân ra ngoài tham gia các hoạt động tập trung đông người vào mùa lễ hội hiện nay. Đến nay, Philippines đã phát hiện 4 ca nhiễm biến thể Omicron, tất cả đều là các ca nhập cảnh. 

Cũng như ở nhiều quốc gia khác, người dân Philippines chịu ảnh hưởng không nhỏ vì đại dịch. Để thúc đẩy sự phục hồi bền vững của đất nước sau dịch bệnh, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 30/12 đã ký thông qua dự toán ngân sách quốc gia gần 100 tỷ USD cho năm 2022. Tổng thống Duterte nêu rõ ngân sách này nhằm khuyến khích các biện pháp tập trung vào việc tăng cường khả năng phục hồi giữa lúc đại dịch vẫn phức tạp, duy trì động lực hướng tới phục hồi và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng. Theo ông Duterte, ngân sách 5.024 tỷ peso (khoảng 98,44 tỷ USD), cao hơn 10% so với năm 2021, sẽ ưu tiên đầu tư vào sức khỏe người dân bằng cách đảm bảo chương trình chăm sóc y tế phải chăng và dễ tiếp cận cho tất cả người dân Philippines. 

Để đảm bảo hoạt động của hệ thống y tế hiện tại, Tổng thống Duterte cho biết 88,9 tỷ peso đã được phân bổ cho hoạt động của các cơ sở y tế cũng như mua sắm thuốc men và vaccine. Ông Duterte cho biết thêm, ngân sách năm 2022 cũng sẽ đáp ứng các yêu cầu kinh phí thiết yếu để bảo vệ và hỗ trợ những người lao động bị buộc thôi việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ đó thúc đẩy phục hồi kinh tế xã hội. 

Indonesia đặt mục tiêu sản xuất vaccine vào nửa cuối năm 2022

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Jakarta, Indonesia, ngày 29/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia đặt mục tiêu bắt đầu đưa vào sản xuất các loại vaccine COVID-19 do nước này tự nghiên cứu và phát triển mang tên "Merah Putih" (Đỏ Trắng) vào nửa cuối năm 2022. 

Người đứng đầu Cơ quan giám sát thực phẩm và dược phẩm (BPOM) Penny Lukito ngày 29/12 cho biết vaccine "Merah Putih" do Đại học Airlangga và công ty PT. Biotis phát triển hiện đang được thử nghiệm lâm sàng. Trong khi đó, một ứng cử viên vaccine "Merah Putih" khác do Công ty dược phẩm nhà nước BioFarma và Đại học Baylor College Medicine (Mỹ) phát triển cũng được đặt mục tiêu bắt đầu đưa vào sản xuất trong nửa cuối năm 2022.

Bà Penny cho hay BPOM sẽ sớm cấp phép sử dụng khẩn cấp cho các loại vaccine dùng cho liều tiêm tăng cường. Hiện vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Zlifivax và CoronaVac do BioFarma đóng gói đang trong quá trình xét duyệt để tiêm tăng cường, trong khi vaccine của Sinopharm vừa nộp đơn đăng ký.

Mới đây, BPOM cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 3 loại thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 gồm Favipiravir, Remdesivir và Regdanvimab. Theo bà Penny, sau khi cấp phép sử dụng khẩn cấp, BPOM tiến hành giám sát thị trường để đảm bảo các loại vaccine và thuốc này được phân phối đúng cách, cũng như theo dõi tác dụng phụ.

Thuốc điều trị COVID-19 chính thức được kinh doanh thương mại tại Lào 

Chú thích ảnh
Thuốc kháng virus Molnupiravir do hãng dược phẩm Merck của Mỹ bào chế. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng, chính phủ Lào đã chính thức cho phép kinh doanh thương mại thuốc điều trị COVID-19 Molacovir (Molnupiravir) do doanh nghiệp Dược phẩm Nhà nước Lào số 3 sản xuất.

Molnupiravir là loại thuốc được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ phê duyệt để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 trên 18 tuổi.

Tại Lào, loại thuốc này được đóng trong bao bì có tên gọi Molacovir, lọ 40 viên, chỉ định mỗi lần sử dụng 4 viên và có thể được mua tại nhà máy Dược phẩm Nhà nước Lào số 3.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế Lào ngày 30/12 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.272 ca mắc mới COVID-19 đều là lây nhiễm trong cộng đồng tại 18 tỉnh, thành phố và 5 ca tử vong do căn bệnh này.

Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 110.054 ca, trong đó có 360 người tử vong.

Thùy Dương/Báo Tin tức
COVID-19 có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng kéo dài với thận
COVID-19 có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng kéo dài với thận

Các nhà khoa học đã phát hiện mối liên hệ trực tiếp giữa bệnh suy thận và COVID-19. Theo đó, virus SARS-CoV-2 có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến thận của bệnh nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN