COVID-19 tại ASEAN hết 7/1: Cả khối trên 1,6 triệu ca bệnh; Indonesia, Malaysia lập kỷ lục về ca mắc mới

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 7/1, 9 quốc gia ASEAN ghi nhận 14.640 ca mắc COVID-19 và 256 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.607.649 ca, trong đó 36.330 người tử vong. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Indonesia vẫn nghiêm trọng nhất ASEAN. Trong ngày 7/1, Indonesia ghi nhận con số kỷ lục 9.321 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 797.723 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Indonesia có số ca mắc hàng ngày kỷ lục.

Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng có thêm 224 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 23.520 người. Hiện Indonesia vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất ở Đông Nam Á. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại bang Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Đứng thứ hai ASEAN trong ngày 7/1 là Malaysia với 3.027 ca mắc và 8 ca tử vong. Tổng số ca mắc ở Malaysia đã là 128.465 ca, trong đó 521 người chết. Con số 3.027 ca mắc mới/ngày là con số kỷ lục ở Malaysia.

Việc số ca mắc mới gia tăng tại Malaysia trong thời gian gần đây đã khiến các nhà đầu tư lo ngại khi chỉ số chứng khoán chính ở sàn giao dịch Kuala Lumpur giảm tới 1,2% trong ngày 7/1, một ngày sau khi giới chức nước này cảnh báo hệ thống y tế đối mặt nguy cơ quá tải. 

Chú thích ảnh
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác bệnh viện ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Đứng thứ ba là Philippines với 1.353 ca mắc mới và 9 ca tử vong trong ngày 7/1. Bộ Y tế (DOH) Philippines thông báo số ca mắc bệnh COVID-19 tại nước này đã vượt quá 482.000. Trong khi đó, tổng số ca tử vong cũng tăng lên 9.356 ca sau khi có thêm 9 người không qua khỏi trong 24 giờ qua.

Dù chưa ghi nhận ca bệnh nào nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, nhưng Philippines hiện đã hạn chế đi lại đối với 27 quốc gia và khu vực nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủng virus được cho là có khả năng lây lan mạnh hơn này. Lệnh cấm này có hiệu lực đến ngày 15/1 tới.

Cũng trong ngày 7/1, Thái Lan ghi nhận thêm 305 ca nhiễm mới, trong đó 302 ca lây nhiễm trong nước, và 1 ca tử vong do COVID-19. Theo Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA), hiện tổng số ca bệnh và tử vong tại nước này lần lượt tăng lên 9.636 ca và 67 ca. 

Chú thích ảnh
     Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 22/12. Ảnh: THX/TTXVN

Làn sóng dịch bệnh mới nhất này xảy ra đã khiến nhà chức trách Thái Lan phải ra lệnh đóng cửa trường học, sân vận động và các cơ sở khác ở những tỉnh có nguy cơ lây nhiễm cao. Hiện 28 tỉnh, thành tại Thái Lan được phân loại là những khu vực cần được kiểm soát cao nhất, trong đó có 5 tỉnh (gồm Samut Sakhon, Rayong, Chonburi, Chanthaburi và Trat) thuộc diện phải được kiểm soát tối đa kèm theo các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất. Quy định này có hiệu lực từ ngày 7/1 đến khi có thông báo tiếp theo. 

Nhằm thắt chặt các biện pháp kiểm soát, Thái Lan đã đình chỉ tất cả các chuyến bay của các hãng hàng không nội địa hoạt động ngoài sân bay quốc tế U-Tapao-Rayong-Pattaya tại Rayong ít nhất đến ngày 31/1 tới. 

Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha mới đây đã tái khẳng định rằng một nửa dân số Thái Lan sẽ được tiêm vaccine COVID-19 miễn phí trong năm nay. Quốc gia Đông Nam Á này sẽ bắt đầu công tác tiêm phòng vào tháng tới.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan ngày 22/12. Ảnh: THX/ TTXVN

Truyền thông Thái Lan ngày 7/1 đưa tin, trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã công bố một kế hoạch dài hạn để đảm bảo người dân Thái Lan sẽ được tiếp cận với các loại vaccine sản xuất trong nước với giá cả phải chăng. Cụ thể, Thái Lan sẽ nhận được 200.000 liều vaccine đầu tiên do công ty dược phẩm Sinovac của Trung Quốc sản xuất vào tháng 2. Số vaccine này sẽ được dành cho nhân viên y tế tuyến đầu và những người cao tuổi có nguy cơ cao. Đây là lô đầu tiên của đơn đặt hàng gồm 2 triệu liều vaccine mà Chính phủ Thái Lan đặt mua từ Sinovac. Lô thứ 2 gồm 800.000 liều và 1 triệu liều còn lại sẽ đến vào cuối tháng 3 và tháng 4 tới.

Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã đặt hàng trước 26 triệu liều vaccine từ công ty AstraZeneca và đang tìm mua thêm 35 triệu liều vaccine nữa.

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha khẳng định chính quyền và ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại địa phương. Theo ông Prayut Chan-o-cha, công ty dược phẩm Siam Bioscience đã nhận được nhượng quyền từ Đại học Oxford và công ty AstraZeneca để sản xuất vaccine và có kế hoạch sản xuất 200 triệu liều/năm. Ngoài ra, các cơ sở y khoa tại Đại học Chulalongkorn cũng có kế hoạch sản xuất vaccine ngừa COVID-19 riêng.      

Tại Myanmar, nước này ghi nhận 594 ca mắc mới và 14 ca tử vong ngày 7/1. Tổng số ca mắc ở Myanmar tới nay là 128.772. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Xuất hiện nhiều ca dị ứng nặng với vaccine COVID-19 tại Mỹ
Xuất hiện nhiều ca dị ứng nặng với vaccine COVID-19 tại Mỹ

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) đang theo dõi cẩn thận các phản ứng dị ứng với vaccine COVID-19 của Pfizer và Moderna, đồng thời yêu cầu các cá nhân bị dị ứng nặng không tiêm mũi thứ hai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN