COVID-19 tại ASEAN hết 7/5: Trên 70.000 ca tử vong; Campuchia đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 7/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 21.5 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 70.150 người.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Lào đang lấy mẫu xét nghiệm cho một sinh viên Việt Nam tại Ký túc xá sinh viên Việt Nam ở thủ đô Viêng Chăn, Lào. Ảnh: Phạm Kiên – Pv TTXVN tại Lào

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.

Dù Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với giai đoạn trước. Trong 1 ngày qua, Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ hai.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong chưa hề giảm so với các ngày trước.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 29 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong.

Chú thích ảnh
Một tấm biển kêu gọi người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 14/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 7/5 ghi nhận thêm 2.044 ca bệnh mới và có 15 ca tử vong.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 558 bệnh nhân mới trong ngày 5/5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 70.154 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 297 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.575.453 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.161.900 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả nước ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 7/5:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 1,703,632 +6,327 46,663 +167 1,558,423
Philippines 1,087,885 +7,733 18,099 +108 1,003,160
Malaysia 432,425 +4,498 1,632 +22 396,004
Myanmar 142,903 +29 3,210   132,000
Thái Lan 78,855 +2,044 363   +27
Singapore 61,311 +25 31   60,906
Campuchia 60,906 +558 114   6,884
Việt Nam 3,137 +47 35   2,560
Timor-Leste 2,965 +95 4   1,596
Lào 1,205 +28     122
Brunei 229 +1 3   218
Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 14/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 tiếp tục lây lan, Philippines ngày 7/5 thông báo biện pháp siết chặt kiểm soát các hành khách nhập cảnh.

Ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines nêu rõ thời gian thực hiện cách ly đối với hành khách nhập cảnh nước này sẽ tăng từ 7 ngày lên 14 ngày, trong bối cảnh Philippines nỗ lực ngăn chặn các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Theo người phát ngôn trên, Philippines sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát mới kể cả với những hành khách đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, hành khách sau khi nhập cảnh sẽ thực hiện cách ly 10 ngày tại các cơ sở cách ly do chính phủ quản lý và sau đó cách ly 4 ngày tại nhà. Họ sẽ được xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 nhưng vẫn phải hoàn thành thời gian cách ly tại các cơ sở nói trên kể cả khi có kết quả xét nghiệm âm tính.

Philippines siết chặt kiểm soát biên giới sau khi 5 hành khách từng đến Ấn Độ nhập cảnh quốc gia Đông Nam Á này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngày 6/5, Philippines đã cho phép một tàu container từng đến Ấn Độ cập cảng để hỗ trợ 12 trong số 21 thủy thủ người Philippines trên tàu dương tính với SARS-CoV-2. Theo Bộ Giao thông, 2 trong số 12 ca này mắc bệnh nặng và được đưa đến cơ sở y tế để điều trị trong khi những người còn lại đang được chăm sóc trên tàu.

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 3/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 7/5, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia công bố kế hoạch có tên “Nở hoa” với mục tiêu đạt miễn dịch kinh tế-xã hội đối với dịch COVID-19 tại nước này vào cuối năm nay.

Kế hoạch chiến lược về chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhằm hình thành miễn dịch kinh tế-xã hội tại Campuchia trong năm 2021 nêu chi tiết về chiến dịch tiêm chủng quốc gia, bắt đầu từ Phnom Penh, sau đó phổ rộng sang các tỉnh khác trên cả nước. Campuchia dự kiến nhận thêm 7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian từ tháng 5-7 tới và 2,5 triệu liều nữa từ tháng 8-9 tới.

Với số vaccine sắp nhận được, kế hoạch “Nở hoa” sẽ bao gồm ba giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn đầu tiên được tiến hành từ tháng 5-7/2021, tập trung tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên, sống và làm việc ở Phnom Penh và Kandal. Dự kiến, 2,5 triệu người sẽ được tiêm phòng (cần 5 triệu liều vaccine). Giai đoạn 2 bắt đầu từ giữa tháng 7 đến tháng 9/2021, tập trung tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên, sống và làm việc ở 11 tỉnh gồm Takeo, Kampong Speu, Kampong Chhnang, Kampong Cham, Prey Veng, Sihanoukville, Svay Rieng, Siem Reap, Banteay Meanchey, Kep và Kampot, với tổng số trên 2 triệu người (cần hơn 4 triệu liều vaccine). Giai đoạn 3 bắt đầu từ tháng 10-11, tập trung tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên ở 12 tỉnh là Koh Kong, Oddar Meanchey, Pailin, Pursat, Battambang, Stung Treng, Tbong Khmum, Ratanakiri, Preah Vihear, Kampong Thom, Kratie và Mondulkiri, với khoảng 4.4 triệu người.

Campuchia đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 10/2. Tính đến nay, khoảng 1,6 triệu người trong tổng số 16 triệu dân tại quốc gia Đông Nam Á này đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Trong bản đánh giá sơ bộ của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), cơ quan này dự báo kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng dương trở lại trong năm 2021, đạt mức 4%, nhờ đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 và tiếp tục hỗ trợ chính sách tài khóa.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) cho biết trong vài tuần tới, thủ đô Bangkok sẽ cần thêm nhiều giường cho những trường hợp mắc bệnh nặng trong bối cảnh số ca nhiễm mới theo ngày ở địa phương này đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận 2.044 ca mắc mới và thêm 27 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 78.855 ca và 363 ca. Trong số ca mắc mới có 2.040 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 4 ca nhập cảnh. Riêng thủ đô Bangkok có tới 869 ca mới lây nhiễm trong cộng đồng.

Trao đổi với báo giới, người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết số ca mắc mới COVID-19 ở Bangkok đã vượt quá mốc 500 ca mỗi ngày kể từ đầu tháng 5 và tiếp tục tăng. Trong khi đó, số bệnh nhân nặng ở thủ đô tăng lên hàng ngày tỷ lệ thuận với số bệnh nhân nặng ở một số tỉnh lân cận như Nonthaburi và Nakhon Pathom. Ông Taweesilp nhận định nhu cầu về giường bệnh ở vùng Bangkok rộng lớn sẽ tiếp tục tăng vào tuần thứ 2 hoặc thứ 3 của tháng này. Một bệnh viện dã chiến mới với hơn 1.000 giường dành cho những ca bệnh nặng sẽ được lập tại một trung tâm hội nghị ở khu vực Chaeng Watthana.

Cũng theo bác sĩ Taweesilp, đường lây nhiễm COVID-19 đã chuyển từ các địa điểm giải trí vào đầu tháng 4 sang tiếp xúc gần giữa mọi người trong cộng đồng và gia đình. Ngoài ra, số ca tử vong cũng đang gia tăng ở Bangkok và đã có những vấn đề về dịch vụ tang lễ.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Một vấn đề nữa liên quan đến COVID-19 mà thủ đô Bangkok phải đối mặt là rác thải có nguy cơ gây lây nhiễm. Những chất thải này được thu gom từ các cơ sở cách ly của nhà nước, các khách sạn dùng làm nơi cách ly, bệnh viện dã chiến và bệnh viện-khách sạn trong thành phố, với lượng trung bình khoảng 16,12 tấn/ngày. Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đã thu gom được tổng cộng 547,93 tấn rác thải có nguy cơ gây nhiễm trong khoảng thời gian từ ngày 1-5/5.

BMA đã chỉ thị cho tất cả các nhân viên thu gom rác thải phải áp dụng các biện pháp bảo hộ nghiêm ngặt để phòng ngừa lây nhiễm. Ngoài ra, để giải quyết tình trạng chất thải có nguy cơ gây lây nhiễm ngày càng gia tăng, BMA đã lắp đặt thêm 1.000 thùng rác sinh học khác trên toàn thành phố để người dân bỏ riêng khẩu trang đã qua sử dụng và rác thải y tế nhằm tách những loại rác này khỏi rác thải hộ gia đình.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 6/5: Ca mắc mới ở Lào lại tăng; Brunei tròn 1 năm không ca lây cộng đồng
COVID-19 tại ASEAN hết 6/5: Ca mắc mới ở Lào lại tăng; Brunei tròn 1 năm không ca lây cộng đồng

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 6/5, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 18.579 ca mắc COVID-19 và 379 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 3.511.277 ca, trong đó 69.836 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN