COVID-19 tại ASEAN hết ngày 27/6: Indonesia có số ca mắc mới cao kỷ lục

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 27/6 (giờ Việt Nam), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 143.610 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó 4.170 ca tử vong.

Trong ngày 27/6, ASEAN có 2.427 ca mắc COVID-19 ở sáu quốc gia và 49 ca tử vong ở hai quốc gia.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 25/6. Ảnh: THX/TTXVN

Số ca mắc mới chủ yếu xuất hiện tại Indonesia và Philippines, trong đó Indonesia ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất cũng như tổng số ca mắc cao nhất ASEAN. Bốn nước còn lại có ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua là Singapore, Malaysia, Campuchia và Việt Nam.

Hai quốc gia có ca tử vong trong ngày 27/6 là Indonesia và Philippines, lần lượt là 37 và 12 ca. Indonesia cũng đứng đầu ASEAN về tổng số ca tử vong với 2.720 ca.

Trước đó, ngày 26/6, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã ra Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, trong đó nhấn mạnh các nỗ lực chung của ASEAN trong ứng phó và giảm thiểu các tác động của COVID-19 bao gồm: thành lập quỹ ASEAN ứng phó với COVID 19; thành lập Kho Dự trữ vật tư y tế khu vực, xây dựng Quy trình hoạt động tiêu chuẩn (SOP) cho phản ứng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và tiến tới các nỗ lực toàn diện của ASEAN để khắc phục hậu quả và phục hồi sau COVID-19. 

Indonesia có số ca mắc COVID-19 hàng ngày cao chưa từng thấy

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 25/6. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Indonesia công bố báo cáo tình hình dịch COVID-19, cho biết ngày 27/6, nước này ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày cao nhất từ trước tới nay, 1.5 ca. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này đã lên tới 52.812 ca. 

Cũng trong ngày 27/6, Indonesia thông báo có 37 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.720 ca. 

Trong khi đó, theo một số quan chức địa phương, có 9 người trên chuyến bay từ Indonesia tới Campuchia có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi tới Campuchia, trong đó có một công dân Indonesia và 8 công dân  Campuchia. 

Chú thích ảnh
 Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 23/6. Ảnh: THX/TTXVN

Dù dịch diễn biến phức tạp nhưng các hoạt động kinh tế của Indonesia đã trở lại sôi động hơn và nền kinh tế đã chuyển động tăng dần đều sau khi chính phủ đẩy mạnh nhiều sáng kiến kích cầu trong nước như các phong trào kích thích chi tiêu, mua sắm trong giai đoạn bình thường mới tại Indonesia. 

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia, Airlangga Hartarto cho biết hoạt động kinh tế của nước này đã giảm sút nghiêm trọng trong tháng 4-5/2020, song bắt đầu có dấu hiệu sôi động trở lại vào tháng 6/2020. Nền kinh tế đã có những tín hiệu hồi phục do chính phủ thực hiện nhiều biện pháp kích thích tiêu dùng của người dân sau thời gian trầm lắng do đại dịch COVID-19.

Cũng theo Bộ trưởng Airlangga Hartarto, trên thực tế, cũng có một số lĩnh vực nhất định mà hiệu suất không bị ảnh hưởng và thậm chí là thực sự tăng cao hơn như lĩnh vực kinh doanh thuốc lá, thực phẩm, dược phẩm và các thiết bị y tế… Những lĩnh vực này đã góp phần làm cho nền kinh tế Indonesia duy trì sự ổn định và tạo tiền đề phục hồi phát triển. 

Philippines: Số ca mắc ngày 27/6 cao thứ hai ASEAN

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một nhà hàng ở Manila, Philippines ngày 18/6. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cho biết tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 34.803 ca sau khi ghi nhận 7 ca nhiễm trong ngày 27/6, chỉ sau Indonesia. Tổng số ca tử vong do COVID-19 là 1.236 ca.

Theo Bộ Y tế Philippines, số ca nhiễm COVID-19 trong ngày tại nước này tăng là do nước này mở rộng xét nghiệm và tăng cường hình thức xét nghiệm lưu động ở nhiều khu vực đã nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Số ca hồi phục ở Philippines là 9.430. Trong số những người đang được điều trị, có 147 ca nghiêm trọng.

Du lịch Malaysia thiệt hại cả chục tỷ USD vì COVID-19

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 24/6. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch COVID-19 đã gây thiệt hại khoảng 45 tỷ ringgit (tương đương 10,5 tỷ USD) cho ngành du lịch và văn hóa của Malaysia trong 6 tháng đầu năm 2020. 

Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Nancy Shukri cho biết du lịch là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của COVID-19. Ông cho rằng đây cũng sẽ là lĩnh vực sau cùng hồi phục từ dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Để hỗ trợ ngành du lịch vượt qua khó khăn, Bộ trưởng Nancy cho biết bộ sẽ đưa ra nhiều sáng kiến và giải pháp thông qua Chiến dịch Cuti-Cuti Malaysia. Theo đó, các cơ quan chức năng của bộ này sẽ đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền, khuyến khích người dân trong nước đi du lịch trở lại. Bộ sẽ giúp các doanh nghiệp lữ hành đảm bảo cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao, an toàn, tạo lòng tin cho du khách. Đặc biệt, các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ sẽ nhận được các khoản vay vốn ưu đãi trị giá tối thiểu 50.000 ringgit cho đến tối đa là 10 triệu ringgit từ Ngân hàng SME.

Du lịch là lĩnh vực kinh tế quan trọng của Malaysia. Trong năm 2019, quốc gia Đông Nam Á này đã đón tổng cộng 26,1 triệu du khách, mang lại nguồn doanh thu trên 86 tỷ ringgit. Năm 2020 là năm Du lịch của Malaysia. Ngành du lịch nước này đặt mục tiêu thu hút 30 triệu du khách và doanh thu 100 tỷ ringgit. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã khiến mục tiêu này không thể trở thành hiện thực.

Singapore và Malaysia mở lại đường biên cho đi lại thiết yếu

Chú thích ảnh
Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Changi ở Singapore ngày 8/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Singapore và Malaysia đã nhất trí mở lại đường biên phục vụ đi lại thiết yếu. Thông báo của Bộ Ngoại giao Singapore ngày 27/6 cho biết quyết định mở cửa đường biên với một số nhóm đối tượng nhất định được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Lý Hiển Long và người đồng cấp Malaysia Muhyiddin Yassin ngày 26/6.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí thiết lập “Làn xanh có đi có lại” (RGL) phục vụ đi lại vì mục đích công vụ, kinh doanh và Thỏa thuận Đi lại Định kỳ (PCA) nhằm giúp công dân hai nước có thẻ nhập cư dài hạn được phép về thăm nhà trong thời gian ngắn.

Chú thích ảnh
Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Changi ở Singapore ngày 8/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Ngoại giao Singapore cho biết những công dân này sẽ được về nhà nghỉ phép ngắn ngày sau khi có ít nhất 3 tháng liên tục làm việc tại Singapore hoặc Malaysia. Sau khi kết thúc kỳ nghỉ, họ sẽ được phép nhập cảnh trở lại quốc gia nơi họ làm việc.

Các cơ quan chức năng hai bên vẫn đang tiếp tục thảo luận về các biện pháp cụ thể để triển khai RGL và PCA, đặc biệt là các biện pháp bảo đảm y tế, phòng chống lây nhiễm trên cơ sở nguồn lực hiện có của hai nước.

Singapore ngày 27/6 ghi nhận 291 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng và số còn lại tại các khu nhà lao động, nâng tổng số ca nhiễm lên 43.246 trường hợp. Tính tới hết ngày 27/6, nước này đã có 36.825 bệnh nhân COVID-19 được xuất viện sau khi điều trị khỏi bệnh và hồi phục sức khỏe.

Còn tại Malaysia, nước này có 10 ca mắc trong ngày 27/6, nâng tổng số ca lên 8.616.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nga thêm trên 6.800 ca mắc COVID-19, nâng tổng số lên 627.646 ca
Nga thêm trên 6.800 ca mắc COVID-19, nâng tổng số lên 627.646 ca

Trung tâm ứng phó dịch bệnh của Nga ngày 27/6 thông báo trong 24 giờ qua, quốc gia châu Âu này ghi nhận thêm 6.852 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp ở nước này lên 627.646 trường hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN