Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Nam Phi là quốc gia châu Phi đầu tiên tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc-xin. Một “ứng viên” vắc-xin do Đại học Oxford (Anh) phối hợp với Đại học Johannesburg phát triển dự kiến thử nghiệm trên 2.000 tình nguyện viên Nam Phi trong độ tuổi từ 18 đến 65. Cuộc thử nghiệm diễn ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại châu lục này đã vượt qua 362.000 trường hợp, trong đó có 9.317 người tử vong. Tuy nhiên, ngoài Nam Phi, hiện chưa có quốc gia nào khác trong châu lục tham gia thử nghiệm.
“Sự vắng bóng các cuộc thử nghiệm vắc-xin trên bản đồ châu Phi là rất đáng quan ngại”, John Nkengasong – Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi – cho biết ngày 24/6. Ông nhận định nếu châu Phi không hành động ngay bây giờ, rất có nguy cơ châu lục này sẽ bị bỏ lại phía sau trên thị trường vắc-xin toàn cầu.
Các ứng viên vắc-xin tiềm năng đang được tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc, Mỹ và một số quốc gia châu Âu. Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết ưu tiên phân phối vắc-xin ngừa COVID-19 tới các quốc gia châu Phi một khi vắc-xin ra mắt thị trường.
Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize khẳng định nước này sẵn sàng mở rộng cửa đối với bất kỳ quốc gia châu Phi nào muốn tham gia thử nghiệm.
“Chúng tôi mong chờ một kết quả thành công. Chúng tôi đã lên danh sách 30 nhà khoa học thuộc 10 viện nghiên cứu tham gia vào các cuộc thử nghiệm khác nhau”, Bộ trưởng Mkhize cho hay. Ngày 23/6, ông Shabir Madhi – giáo sư về kỹ thuật vắc-xin tại Đại học Wits kiêm Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Phân tích Dịch bệnh và Vắc-xin thuộc Hội đồng Y khoa Nam Phi – khẳng định “đây là thành tựu đáng nhớ cho Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung trong đại dịch COVID-19". Tuy nhiên, Nam Phi chuẩn bị bước vào mùa đông và áp lực do các ca nhiễm ngày càng tăng đối với các bệnh viện, nên quốc gia này càng cần phải nỗ lực hơn nữa để tìm ra vắc-xin.
Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, chỉ mới cách đây một tuần, châu Phi có ca mắc COVID-19 ít hơn bất kỳ châu lục nào trên thế giới. Tuy nhiên, hiện số ca mắc tại đây đã vượt khu vực phía Tây Thái Bình Dương và “con số tiếp tục tăng nhanh”.
Theo số liệu thống kê từ trang Worldometer, đầu tháng 6, Nam Phi chỉ có tổng cộng chưa đầy 35.000 ca mắc COVID-19. Nhưng con số đã lên gần 125.000 tính đến 11h ngày 27/6, trong đó có 2.340 trường hợp tử vong. Trong khi đó, Ai Cập – quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 cao thứ hai tại châu lục – cũng ghi nhận 62.755 ca mắc COVID-19 và 2.620 trường hợp tử vong. Giám đốc khu vực WHO tại châu Phi Matshidiso Moeti cho biết phần lớn các ca nhiễm mới phát hiện tại cả ổ dịch xác định trước đó và thường có mối liên hệ với những ca bệnh từ nước ngoài trở về. “Tại một số quốc gia, mặc dù tổng số ca mắc vẫn còn thấp nhưng tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng và tỷ lệ mắc mới đã gia tăng trong một số tuần trở lại đây”, ông Mitch Moeti bày tỏ e ngại.