Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 19/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 178.5.947 ca, trong đó có 3.865.953 người tử vong. Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, trong khi châu Á và Mỹ Latinh hiện là những vùng dịch “nóng nhất”.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 163.031.592 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.671.402 ca và 82.414 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 18/6, thế giới có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.390.696 ca mắc và 616.867 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca mắc mới theo ngày tại Mỹ đang giảm rõ rệt. Chính do đó, trong cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ đã nhất trí tổ chức tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ theo hình thức trực tiếp vào tháng 9 tới, với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 nghiêm ngặt.
Trong một tuyên bố, nhà ngoại giao Mỹ Rodney Hunter cho biết nước này hoan nghênh các nhà lãnh đạo trên thế giới tham dự sự kiện năm nay nhưng cũng khuyến khích các quốc gia thành viên rút gọn thành phần phái đoàn khi đến New York. Mỹ cũng đưa ra một số quy định rõ ràng nhằm bảo đảm cho tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ diễn ra an toàn và thành công.
Theo đó, những phái đoàn đến New York dự sự kiện này cần phải thực hiện xét nghiệm trước và sau khi đến, thực hiện cách ly 7 ngày đối với những người chưa được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và kiểm tra thân nhiệt.
Mỹ cũng khuyến khích các phái đoàn thực hiện định dạng "1+1" như hiện nay đối với các cuộc họp chung, tức là mỗi phái đoàn chỉ được cử 2 người vào hội trường họp của ĐHĐ cùng lúc và phải đeo khẩu trang cũng như giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ đề nghị mỗi phái đoàn có tối đa 6 người và các cuộc họp không chính thức bên lề nên diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Tại Ấn Độ, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai trên thế giới, đã có thêm 60.798 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp, số ca mắc mới trong ngày của Ấn Độ dưới mốc 70.000 ca. Như vậy, tính tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Á đã vượt mốc trên 29,8 triệu ca trong khi tổng số ca tử vong vì dịch bệnh cũng đã lên mức 5.167 ca.
Australia cũng đang điều chỉnh chính sách chống dịch khi tình hình thuyên giảm. Nhằm giúp các sinh viên quốc tế hiện đang “mắc kẹt” ở nước ngoài có thể quay lại học tập trong thời gian tới, Chính phủ Australia đã chính thức phê duyệt đề án thiết lập trung tâm cách ly tập trung dành riêng cho sinh viên quốc tế tại bang Nam Australia.
Trung tâm cách ly được đặt tại sân bay Parafield, phía Bắc thành phố Adelaide của bang nói trên, có khả năng tiếp nhận một số lượng lớn người lưu trú luân phiên, thực hiện thời gian 2 tuần cách ly bắt buộc sau khi nhập cảnh. Thủ hiến bang Nam Australia Steven Marshall cho biết theo dự kiến ban đầu, trung tâm sẽ tiếp nhận tối đa mỗi lượt 160 sinh viên quốc tế.
Để hoạt động của trung tâm sớm đi vào ổn định, chính quyền bang và các đơn vị giáo dục sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tối ưu hóa kế hoạch tạo lập “hành lang đi lại” an toàn, đảm bảo sức khỏe cho sinh viên quốc tế nói riêng và người dân Australia nói chung.
Tại châu Âu, trong khi tình hình dịch bệnh nhiều nước có xu hướng giảm và đã bắt đầu mở cửa trở lại, thì dịch bệnh tại Anh và Nga vẫn diễn biến phức tạp.
Theo các số liệu thống kê của Chính phủ Nga, trên cả nước có 17.262 ca mắc mới - cao chưa từng có kể từ ngày 1/2/2021 đến nay, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 5.281.309 ca. Cũng trong 24 giờ qua, thủ đô Moskva ghi nhận 9.056 ca mắc mới COVID-19. Đây là số ca mắc mới cao nhất trong một ngày ghi nhận tại Moskva kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay.
Trong một tuyên bố, Điện Kremlin cho rằng số ca mắc mới COVID-19 gia tăng mạnh là do tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Nga còn thấp và do các biến thể của virus SARS-CoV-2 làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn tại nước này "rõ ràng không đạt hiệu quả như kỳ vọng", đồng thời cho biết Tổng thống Vladimir Putin đang theo dõi sát sao tình hình hiện nay.
Trước các diễn biến phức tạp, Thị trưởng thủ đô Moskva Sergei Sobyanin đã ký quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh đến hết ngày 29/6.
Cơ quan Y tế công cộng vùng England (PHE) của Anh công bố các số liệu cho thấy số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 tính theo tuần tiếp tục tăng mạnh tại nước này. Cụ thể, trong tuần (tính đến ngày 16/6), đã có 33.630 ca mới nhiễm biến thể Delta, đưa tổng số ca nhiễm lên 75.953, tăng 79% so với mức tổng ghi nhận trong tuần trước đó. Hiện biến thể Delta chiếm 91% số ca nhiễm. Tính đến ngày 14/6, tổng cộng 806 ca nhập viện vì nhiễm biến thể này, tăng gần gấp đôi so với con số 423 ca trong tuần trước.
Nhằm ứng phó với thực tế là số ca nhiễm biến thể Delta tăng, Thủ tướng Johnson định thúc đẩy các kế hoạch tiêm phòng để tất cả người trưởng thành được tiêm ít nhất một mũi vaccine trước ngày 19/7, cũng là ngày mà ông mới ấn định để chấm dứt các biện pháp phòng dịch tại vùng England.
Do số ca nhiễm mới tại Anh vẫn ở mức cao, nên nước này đã quyết định hủy bỏ lễ hội đường phố Notting Hill - một trong những lễ hội đường phố lớn nhất thế giới, diễn ra ở phía Tây thủ đô London. Sau khi bị hủy bỏ vào năm 2020, lễ hội kéo dài 3 ngày này dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 8 tới. Như vậy, đây là lần thứ hai lễ hội này bị hủy bỏ do dịch COVID-19.
Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Đức kêu gọi người dân nước này hạn chế đến xem các trận đấu tại vòng chung kết EURO 2020 để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới, ông Frank Ulrich Montgomery cho biết biến thể Delta ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại Đức. Theo ông, chừng nào chưa đạt đủ tỷ lệ số lượng người được tiêm phòng thì cần phải hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cuộc sống hàng ngày.
Do vậy, chắc chắn người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang FFP2 khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong các cửa hàng và các khu vực trong nhà khác. Trên bình diện quốc tế, các nước cần xem lại việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch của nước mình và cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ để đảo ngược xu hướng nới lỏng này nếu số lượng các ca nhiễm biến thể Delta gia tăng, giống như Chính phủ Anh đã thực hiện.
Tỷ lệ biến thể Delta gần đây tại Đức đã tăng lên đáng kể, mặc dù vẫn ở mức thấp. Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI), tỷ lệ nhiễm biến thể này là 6,2% trong tuần từ 31/5 đến 6/6, trong khi tuần trước đó, tỷ lên này là 3,7%. Từ tháng 5, Chính phủ Đức đã đưa Anh vào danh sách khu vực biến thể mới của virus. Do đó, người hâm mộ bóng đá nếu đến dự khán các trận đấu tại London, khi trở về Đức sẽ phải cách ly 2 tuần.
Italy cũng quyết định siết chặt quy định nhập cảnh đối với những người đến từ Anh, theo đó, những người đến từ nước này sẽ vẫn phải trải qua 5 ngày cách ly bắt buộc.
Liên quan đến vấn đề vaccine, Chính phủ Hàn Quốc quyết định sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech làm mũi tăng cường cho 760.000 người đã tiêm chủng mũi đầu tiên bằng vaccine của AstraZeneca do việc chậm trễ trong việc chuyển giao vaccine loại này trong khuôn khổ chương trình COVAX.
Trên thực tế, một số nước như Canada và Tây Ban Nha đã sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech làm mũi tăng cường cho những người đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sử dụng vaccine của AstraZeneca. Theo một nghiên cứu của Tây Ban Nha, việc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech làm mũi 2 tăng cường cho người đã tiêm chủng mũi 1 của AstraZeneca tăng hiệu quả phòng bệnh và an toàn hơn.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 30.715 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 87.000 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Campuchia và Myanmar.
Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á, thậm chí số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất châu Á.
Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 18/6 cũng đứng thứ ba toàn khối. Số ca tử vong đang giảm dần ở nước này mấy ngày qua.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là một trong những điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.
Ngày 18/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 74 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua báo cáo 301 ca bệnh mới và có 1 trường hợp tử vong.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 18/6 ghi nhận thêm trên 3.058 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 22 người. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trở lại, số ca tử vong cũng tăng một cách đáng ngại.
Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 799 bệnh nhân mới và 14 ca tử vong trong một ngày qua. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 87.047 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 512 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.479.776 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.077.560 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Ngoài Timor-Leste, trong 24 giờ qua, có 10/11 các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Ngày 18/6, nhà khoa học hàng đầu tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan cảnh báo biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có thể trở thành biến thể gây ra phần lớn số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.
Phát biểu họp báo, bà Swaminathan cho biết: "Biến thể Delta đang dần trở thành biến thể chiếm lĩnh trên toàn cầu do khả năng lây lan của nó ngày càng gia tăng".
Hiện WHO phân loại biến thể Delta ở mức "biến thể đáng lo ngại". Trong báo cáo đầu tháng này, WHO cảnh báo Delta đang tiếp tục lây lan nhanh chóng và ngày càng có nhiều quốc gia báo cáo các đợt bùng phát liên quan đến dòng biến thể này. Biến thể Delta hiện chiếm phần lớn số ca mắc COVID-19 ở Anh, Đức và Nga.
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới Frank Ulrich Montgomery cảnh báo biến thể Delta rất dễ lây lan và có thể gây bùng phát các đợt dịch mới nhanh hơn nhiều so với các biến thể trước đó. Biến thể này nguy hiểm ở chỗ những người bị nhiễm có lượng virus rất cao trong cổ họng trong một thời gian ngắn và dễ dàng lây sang người khác trước khi họ nhận ra mình bị nhiễm bệnh.
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới kêu gọi các nước cân nhắc lại việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch của nước mình và cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ để đảo ngược xu hướng nới lỏng này nếu số lượng các ca nhiễm biến thể Delta gia tăng.