Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 150.188.962 ca, trong đó có 3.162.699 người tử vong.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 128.252.241 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 18.774.022 ca và 110.818 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 28/4, thế giới có tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 104 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine và hộ chiếu vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số ca tử vong nhiều nhất thế giới.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 588.215 ca tử vong trong tổng số 32.979.391 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 204.812 ca tử vong trong số 18.3.096 ca bệnh. Đáng lo ngại, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ vẫn chưa có tín hiệu khả quan.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể mới tại Ấn Độ đã lây lan sang 17 quốc gia trên thế giới và cũng được cho là có khả năng lây lan chóng mặt. Trước tình hình diễn biến phức tạp tại Ấn Độ, cộng đồng quốc tế hiện đang tăng cường viện trợ trang thiết bị, vật tư y tế giúp nước này ứng phó với dịch bệnh. Quốc gia đứng thứ 3 là Brazil với 395.324 ca tử vong trong số 14.446.541 bệnh nhân.
Nhật Bản tuyên bố sẽ siết chặt kiểm soát biên giới đối với những người đến từ 4 bang Tennessee, Florida, Michigan và Minnesota của Mỹ cũng như Ấn Độ và Peru để đối phó với sự lây lan của các biến thể mới của virus SARS CoV-2 được phát hiện ở đó. Biện pháp mới nêu trên, có hiệu lực vào ngày 1/5, yêu cầu những người đi từ các khu vực đó phải cách ly tại một cơ sở được chỉ định và tiến hành xét nghiệm vào ngày thứ ba sau khi họ đến.
Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới trong những ngày qua đang có chiều hướng tăng mạnh, khiến nhà chức trách hết sức lo ngại. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này có thêm 775 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong 4 ngày qua, trong khi số ca không truy vết được tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.
Hiện tổng số ca bệnh tại Hàn Quốc tăng lên 120.673 ca. Hàn Quốc cũng thông báo nới lỏng quy định cách ly đối với những người đã tiêm vaccine. Theo đó, trường hợp người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 dù tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh nhưng có kết quả xét nghiệm âm tính và không có triệu chứng nghi nhiễm sẽ được miễn cách ly tại nhà. Thay vào đó, những người này sẽ được xét nghiệm 2 lần trong vòng 14 ngày.
Còn những người đã tiêm phòng đầy đủ trong nước, xuất cảnh rồi nhập cảnh trở lại Hàn Quốc, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính và không có triệu chứng nghi nhiễm cũng sẽ được miễn cách ly tại nhà. Tuy nhiên, các trường hợp nhập cảnh từ các nước đang lây lan mạnh biến thể của virus SARS-CoV-2 như Nam Phi hay Brazil sẽ không nằm trong diện này.
Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc thông báo cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các địa điểm du lịch trước kỳ nghỉ lễ Ngày Quốc tế lao động, bắt đầu vào ngày 1/5 tới - thời điểm mà Trung Quốc dự báo số người đi lại tăng vọt.
Cụ thể, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc kêu gọi các địa điểm du lịch hạn chế số lượng khách tham quan và điều này có thể thực hiện dễ dàng ngay tại quầy bán vé vào cửa, cũng như không gian phục ăn uống, tránh tập trung đông người để phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, cơ quan quản lý có trách nhiệm giám sát để đảm bảo du khách tuân thủ và thực hiện các biện pháp phòng dịch khi tham gia giao thông, mua sắm, ăn uống,...
Pakistan lần đầu tiên ghi nhận hơn 200 ca tử vong trong ngày vì dịch COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi trên cả nước lên 17.530 người. Pakistan cũng ghi nhận 5.292 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 810.231 ca.
Tại khu vực châu Âu, Viện nghiên cứu Robert Koch (RKI) của Đức cho biết nước này ghi nhận 22.231 ca mắc mới và 312 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong lên lần lượt hơn 3,33 triệu ca và 82.280 ca.
Bỉ đã quyết định tạm thời đóng cửa đối với du khách đến từ Ấn Độ, Brazil và Nam Phi bằng đường bộ, đường thủy, đường hàng không, do lo ngại sự lây lan các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở những quốc gia này.
Tuy nhiên, Bỉ vẫn cho phép một số hoạt động di chuyển thiết yếu đối với nhân viên vận tải, thủy thủ cũng như các chuyến công tác của các nhà ngoại giao, nhân viên thuộc các tổ chức quốc tế và những người được các tổ chức quốc tế mời mà sự hiện diện của họ là cần thiết cho hoạt động của tổ chức hoặc trong việc thực hiện các chức năng khác.
Những du khách nước ngoài khi nhập cảnh vào Bỉ phải có giấy chứng nhận do người sử dụng lao động cấp, giấy chứng nhận do cơ quan ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Bỉ cấp để chứng minh rằng chuyến đi là cần thiết. Những người trở về từ các nước trên buộc phải thực hiện các quy tắc kiểm tra và kiểm dịch nghiêm ngặt hơn. Những người có quốc tịch Bỉ cũng như những người thường trú ở Bỉ, có thể trở về nước từ Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.
Trong khi đó, Ba Lan thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch trong thời gian tới. Cụ thể, các trung tâm mua sắm sẽ mở cửa trở lại từ ngày 4/5, trong khi các khách sạn và nhà hàng sẽ khôi phục hoạt động từ ngày 8/5. Từ tuần tới, trẻ em tiểu học lớp 1, 2, và 3 của nước này sẽ được đến trường. Đến nay, Ba Lan ghi nhận 2,77 triệu ca nhiễm, bao gồm 66.533 người không qua khỏi.
Tại châu Mỹ, Canada đã phải điều động lực lượng vũ trang hỗ trợ chống dịch. Thủ tướng Justin Trudeau cho biết lực lượng vũ trang đang được điều động đến Nova Scotia và Ontario để giúp hai tỉnh này ứng phó với tình trạng gia tăng các ca nhiễm mới. Tương tự, tỉnh Alberta cũng sẽ nhận được sự trợ giúp của quân đội nước này. Đến nay, tổng số ca nhiễm tại Canada đã vượt 1,1 triệu ca, trong đó hơn 24.000 người đã tử vong.
Về việc phát triển vaccine ngừa COVID-19, nghiên cứu của Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) và hãng dược phẩm Bharat Biotech chỉ ra rằng những người đã được tiêm vaccine Covaxin nội địa của Ấn Độ có khả năng bảo vệ trước biến thể đột biến kép B.1.617 được phát hiện đầu tiên ở quốc gia Nam Á này.
Một nghiên cứu trước đó cũng phát hiện Covaxin có khả năng vô hiệu hóa biến thể B.1.1.7 được tìm thấy đầu tiên ở Anh. Nhà đồng sáng lập công ty dược phẩm BioNTech của Đức, ông Ugur Sahin cũng bày tỏ tin tưởng rằng vaccine do hãng này phối hợp với công ty Pfizer (Mỹ) sản xuất có hiệu quả với biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ.
Nghiên cứu của Cơ quan Y tế công cộng vùng England (PHE) của Anh cho thấy nếu một người mắc COVID-19 được tiêm một liều vaccine của Pfizer hoặc AstraZeneca, nguy cơ lây nhiễm từ người đó sang các thành viên khác trong gia đình có thể giảm tới 50%.
Bộ Y tế Cuba ngày 28/4 cho biết nước này đã ghi nhận 998 ca mắc mới và 10 ca tử vong vì COVID-19 chỉ trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 104.512 người và số ca tử vong lên 614 người.
Đáng chú ý, trong số các ca mắc mới có 962 ca do lây nhiễm trong cộng đồng và 573 ca trong số này được phát hiện ở thủ đô La Havana, tâm dịch của cả nước. Hiện cứ trong 100.000 dân ở La Havana thì có 422 người mắc bệnh, tỷ lệ cao nhất cả nước.
Kể từ khi bùng phát làn sóng dịch mới từ tháng 1 vừa qua, chính phủ Cuba đã cho siết chặt nhiều quy định phòng chống dịch như đóng cửa các địa điểm công cộng, hạn chế đi lại của người dân và yêu cầu xét nghiệm cũng như cách ly đối với du khách.
Theo kế hoạch, Cuba sẽ cho triển khai chiến dịch tiêm phòng đại trà ở thủ đô La Havana từ tháng 5 với hai loại vaccine được sản xuất ở trong nước là Soberana-02 và Abdala.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 18.239 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 67.170 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.
Dù Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với giai đoạn trước. Trong 1 ngày qua, Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ hai.
Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn “tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong chưa hề giảm so với các ngày trước.
Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 50 ca mắc COVID-19 và 2 ca tử vong.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 28/4 ghi nhận thêm 2.012 ca bệnh mới và có tới 15 ca tử vong.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 698 bệnh nhân mới và 6 ca tử vong trong ngày 28/4. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 67.170 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 330 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.362.276 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.056.069 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả nước ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.