Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 2/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 247.779.993 ca, trong đó có 5.019.164 người tử vong. Cuộc sống bình thường mới đang đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng lắng dịu. Ngày 1/11, hàng loạt quốc gia đã mở cửa trở lại.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á đều chứng kiến số ca tử vong và mắc mới có xu thế giảm. Song dịch bệnh đang nóng trở lại ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này.
Còn vài nước tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng mới. Trong số này, Mỹ, Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Nga là nước có số ca mắc và tử vong mới cao nhất thế giới, thậm chí ca tử vong tăng vọt.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 224 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và trên 73.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 1/11, thế giới có 122 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước.
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với số ca nhiễm lần lượt là trên 46,8 triệu ca, trên 34,2 triệu ca và trên 21,8 triệu ca. Xét về số ca tử vong, Mỹ đứng đầu thế giới với 766.815 ca, tiếp đó là Brazil với 607.922 ca và Ấn Độ với 456.354 ca.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 79,41 triệu ca, tiếp đến là châu Âu với 64,63 triệu ca. Bắc Mỹ ghi nhận 56,24 triệu c, Nam Mỹ gần ,42 triệu ca, tiếp đến là châu Phi (8,57 triệu ca) và châu Đại Dương (312.267 ca).
Ngày 1/11 đánh dấu một loạt nước châu Á mở cửa trở lại và tiếp tục thực hiện nới lỏng các hạn chế sau khi đã đạt được những tiến bộ nhất định trong chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19, cùng với đó là quy trình chuẩn bị và những điều kiện đi kèm để giảm thiểu nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh.
Chính phủ Hàn Quốc lấy thời điểm ngày 1/11 để bắt đầu thực hiện kế hoạch 3 giai đoạn nhằm khôi phục hoàn toàn cuộc sống thường nhật. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ nới lỏng hạn chế thời gian hoạt động của các cơ sở kinh doanh. Giai đoạn 2, chính phủ sẽ cho phép tổ chức sự kiện quy mô lớn, và tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế số người tụ tập trong giai đoạn 3.
Cùng ngày, người dân Australia cũng trải qua những cảm xúc đặc biệt khi nước này mở lại biên giới quốc tế sau gần 600 ngày đóng cửa. Sau hơn 18 tháng tuân thủ những biện pháp bảo vệ biên giới nghiêm ngặt nhất, hàng triệu người dân Australia hiện có thể tự do đi lại mà không cần giấy phép hay cần phải cách ly khi đến nước này.
Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định đây là một ngày đặc biệt, đồng thời khẳng định nước này đã "sẵn sàng để cất cánh". Kế hoạch ban đầu sẽ giới hạn với công dân Australia, các thường trú nhân và gia đình trước khi mở rộng ra với du khách và lao động quốc tế.
Chính phủ Nhật Bản ngày 1/11 công bố quyết định nới lỏng quy định về hạn chế số người tham gia các sự kiện quy mô lớn như các giải đấu thể thao chuyên nghiệp, các buổi hòa nhạc đã được áp dụng tại 27/47 tỉnh.
Theo quyết định trên, số người được phép tham gia các sự kiện tập trung trung đông người là 5.000 người, hoặc tương ứng 50% sức chứa tại nơi diễn ra sự kiện, thay vì 1.000 người theo quy định cũ. Quy định mới này có hiệu lực tại thủ đô Tokyo và các vùng khác mà trước tháng 10 vẫn đang phải áp đặt tình trạng khẩn cấp hoặc một phần khẩn cấp. Tuy nhiên, chính quyền các tỉnh có thể chủ động và linh hoạt trong việc thực hiện các quy định nới lỏng hạn chế tùy theo tình hình dịch bệnh thực tế tại các địa phương.
Ở Trung Đông, Israel, một trong những quốc gia tiêm phòng sớm và nhanh nhất trên thế giới, từ ngày 1/11 cũng mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch đã tiêm vaccine, với điều kiện những du khách đó không đến từ các quốc gia thuộc nhóm "đỏ" về dịch bệnh trong vòng 2 tuần trước khi tới Israel.
Đây là ngày đầu tiên Israel mở cửa đón du khách đã tiêm phòng kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 3/2020. Du khách phải được tiêm phòng đầy đủ với 1 trong 8 loại vaccine mà Israel phê chuẩn gồm vaccine của các hãng Sinopharm, Sinovac, Moderna, Pfizer, Janssen, AstraZeneca, Covishield (vaccine của AstraZeneca được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ) và Sputnik-V của Nga. Những người đã hồi phục cũng được phép nhập cảnh Israel nếu có chứng nhận kỹ thuật số về tình trạng bệnh. Ngoài ra, mọi du khách đều phải cung cấp giấy xét nghiệm âm tính thực hiện trong 72 giờ trước khi đến Israel và được xét nghiệm khi đến, cách ly trong vòng 24 giờ chờ đợi kết quả.
Những diễn biến trên là một phần trong nỗ lực của các nước nhằm khôi phục kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành gần 2 năm qua đã đẩy ngành du lịch toàn cầu rơi vào khủng hoảng.
Trong khi đó, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp tại châu Âu. Ngày 1/11, Cơ quan liên bang về phòng chống dịch bệnh của Nga cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 40.402 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên hơn 8,5 triệu ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới tại Nga vượt trên 40.000.
Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận 1.155 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 239.693 ca. Trong khi đó, số người bình phục và đủ điều kiện xuất viện là 23.187 người. Như vậy, số người đã khỏi bệnh hiện chiếm 86,3% tổng số ca mắc.
Cùng ngày, giới chức Nga nhận định đội ngũ bác sĩ tại nước này đang đứng trước áp lực vô cùng lớn do số các ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Đáng chú ý, thủ đô Moskva đã phải áp đặt lệnh phong tỏa trong dịp nghỉ lễ quốc gia từ 28/10-7/11 nhằm ngăn chặn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo đó, hầu hết các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ không thiết yếu đều phải tạm ngừng hoạt động.
Tại Pháp, giới chức y tế thông báo số lượng bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 đã tăng 48 người trong 24 giờ qua lên 6.572 người. Đây là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ ngày 6/9.
Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 6.329 ca, tăng 26,5% so với một tuần trước, nâng tổng số ca lên 7.17 triệu ca. Cũng theo ghi nhận, số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày qua tại Pháp ở mức 5.858 ca và là mức cao ghi nhận trong 5 tuần gần đây.
Ngoài ra, số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực tăng 7 trường hợp trong 24 giờ qua lên 1.046 người. Trong khi đó, với thêm 12 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp hiện tăng lên thành 117.755 ca.
Tại Đức, trước tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại nhanh chóng, Chủ tịch Hiệp hội y tế Đức Klaus Reinhardt kêu gọi cần phải tăng cường biện pháp kiểm soát phòng dịch hơn nữa.
Ông Klaus đề xuất 3 điểm gồm áp dụng quy tắc 2G (những người đã tiêm chủng hoặc đã bình phục) trong phần lớn các địa điểm đông người như bảo tàng, nhà hàng, siêu thị; áp dụng quy tắc 3G (những người đã tiêm chủng, đã bình phục hoặc có xét nghiệm âm tính) tại nơi làm việc; và tăng cường xét nghiệm đối với nhóm người già, người dễ bị tổn thương hoặc làm việc tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngoài ra, ông cũng ủng hộ việc kích hoạt trở lại các trung tâm tiêm chủng tập trung để có thể đẩy mạnh chiến dịch tiêm tăng cường mũi vaccine thứ 3 cho tất cả những người đã được tiêm.
Trước đó, phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết tình hình dịch bệnh hiện tại "rất đáng lo ngại" và cần phải nhanh chóng hành động. Bà nhấn mạnh chính phủ liên bang và chính quyền các bang sẽ phải cùng nhau thảo luận về các biện pháp tiếp theo để ngăn chặn đại dịch cũng như tình trạng quá tải của hệ thống y tế.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 1/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 24.228 ca bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước. Trong khi đó, tổng số ca tử vong tới nay tăng lên trên 287.000 người.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối, chỉ còn Philippines có trên 100 ca tử vong/ngày. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 9 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia, Lào, Brunei và Việt Nam.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt.
Ngày 1/11, hãng dược phẩm Novavax (Mỹ) thông báo Indonesia đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do hãng này phát triển, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp cận loại vaccine sản xuất tại Ấn Độ với tên thương mại là Covovax này.
Trong thông báo, Giám đốc điều hành của Novavax - ông Stanley Erck, tái khẳng định cam kết của hãng trong việc đảm bảo tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 công bằng trên toàn cầu. Ông đồng thời cho biết quyết định trên của Indonesia sẽ giúp đáp ứng nhu cầu vaccine tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới. Theo hãng Novavax, vaccine Covovax được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) và sẽ sớm được bàn giao cho Indonesia.
Hồi tháng 9, Novavax và đối tác SII đã nộp hồ sơ đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Covovax. Việc WHO cấp phép sẽ là một dấu hiệu cho các cơ quan quốc gia quản lý độ an toàn và hiệu quả của vaccine này. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu vaccine sang một số nước tham gia cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX).
Diễn biến dịch đã bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, dù số ca tử vong vẫn cao. Ngày 1/11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 104 trường hợp, cao nhất khu vực. Malaysia một ngày qua số ca mắc mới cũng giảm nhẹ, với trên 4.000 trường hợp, trong khi có 63 ca tử vong. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 877 ca bệnh và 17 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức lo ngại.
Trong khi đó, Thái Lan hiện là điểm dịch nóng nhất Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 1/11 ghi nhận thêm trên 8.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 55 người.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 91 bệnh nhân mới và 6 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã quyết định mở của hoàn toàn đất nước từ ngày 1/11.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 287.028 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 306 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 13 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 12 triệu trường hợp.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.