COVID-19 tới 6 giờ sáng 25/3: Số ca mắc tại Mỹ tăng trở lại; Thêm nhiều nước tiếp tục mở cửa

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.5.899 trường hợp mắc COVID-19 và 4.335 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 477 triệu ca, trong đó trên 6,1 triệu người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Toronto, Canada, ngày 21/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 25/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 477.617.912 ca, trong đó có 6.132.088 người tử vong.

Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu. Dù vậy, diễn biến dịch vẫn khó lường khi số ca mắc mới tại một số nước có dấu hiệu tăng trở lại.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, ngày 22/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 412 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 58 triệu ca và trên 60.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 24/3, thế giới có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.

Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 395.000 ca), đồng thời nước này cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 470 ca. Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng số ca bệnh trên 24 triệu trường hợp và 397.407 ca tử vong. Trong ngày 24/3, Việt Nam có số ca mắc mới (120.000 ca) cao nhất khu vực ASEAN, trong khi Philippines ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (208 ca).

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Surakarta, Trung Java, Indonesia, ngày 22/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh. Tất cả các nước thành viên ASEAN đều ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.

Tại Đông Nam Á, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào thông báo đóng cửa các lớp học trực tiếp của các trường mầm non và tiểu học trên cả nước trong bối cảnh gia tăng mạnh số ca mắc mới do nhiễm biến thể Omicron trong những ngày qua. Theo đó, tất cả các trường công và tư thục ở bậc mầm non và tiểu học từ lớp 1 đến lớp 4 trên cả nước sẽ phải chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Iran. Ảnh: IRNA/ TTXVN

Bộ trên cũng yêu cầu không sử dụng chung đồ dùng tại trường học để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, các sở giáo dục và thể thao cấp tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêm phòng cho học sinh đủ điều kiện trên cả nước. Ngày 24/3, Lào ghi nhận 2.819 ca mắc mới, mức cao nhất  kể từ đầu dịch. Chính phủ yêu cầu các cơ quan, ban, ngành không tổ chức tiệc Năm mới BounpiMay 2022 (13-15/4).

Hiện Chính phủ Lào đang nỗ lực kêu gọi người dân đi tiêm phòng. Tính tới nay đã có 75,72% dân số đủ điều kiện của Lào được tiêm mũi thứ nhất và 60,40% được tiêm mũi thứ 2.

Singapore thông báo nới lỏng thêm một số biện pháp phòng dịch COVID-19. Theo đó, chính quyền sở tại quyết định dỡ bỏ hầu hết các hạn chế đối với du khách nhập cảnh đã tiêm đủ các mũi vaccine cơ bản ngừa COVID-19 và bãi bỏ quy định phải đeo khẩu ở các địa điểm ngoài trời.

Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên chuyển sang chiến lược sống chung an toàn với COVID-19, song tốc độ triển khai các kế hoạch nới lỏng được tiến hành chậm lại do xuất hiện thêm nhiều đợt bùng phát dịch. Hiện làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron tại quốc gia Đông Nam Á này đã bắt đầu lắng dịu. Vào thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng này hồi tháng 2 vừa qua, Singapore ghi nhận số ca mắc cao nhất trong một ngày với 26.000 ca. Tuy nhiên, ngày 23/3, số ca mắc mới tại đây đã giảm xuống còn khoảng 9.000 ca/ngày. Khoảng 92% trong tổng số 5,5 triệu dân tại Singapore đã được tiêm đủ các mũi cơ bản, 71% đã được tiêm một mũi tăng cường.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Singapore ngày 24/3/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Indonesia cũng quyết định nới lỏng một số biện pháp hạn chế trong đó có việc hủy lệnh cấm du lịch nội địa trong thời gian diễn ra lễ ăn chay Ramadan và lễ Eid al-Fitr vào tháng 4-5 tới.

Theo đó, người dân Hồi giáo tại nước này sẽ được thực hiện các nghi thức truyền thống tập trung trong tháng ăn chay, có thể về quê đón lễ Eid al-Fitr cùng gia đình và cầu nguyện tập trung tại nhà thờ. Indonesia cũng dỡ bỏ thêm các quy định nhập cảnh đối với du khách nước ngoài như một phần nỗ lực nhằm tiến tới phục hồi kinh tế xã hội trong điều kiện bình thường mới.

Trong bối cảnh đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất trong 2 năm qua đang lan rộng ra 28 tỉnh, thành và khu vực, Trung Quốc đã sửa đổi hướng dẫn về xét nghiệm, không yêu cầu xét nghiệm trên toàn thành phố mà là xét nghiệm trong từng khu vực, để các biện pháp phòng chống dịch bệnh có trọng tâm hơn, theo chính sách “Không COVID”.

Các chuyên gia y tế Trung Quốc đánh giá việc phát hiện một số lượng lớn nguồn lây nhiễm "âm thầm" do biến thể tàng hình Omicron gây ra làm gia tăng khó khăn trong việc tuân thủ chính sách “Không COVID”, vì vậy Bắc Kinh đang điều chỉnh các biện pháp phòng chống sao cho có mục tiêu và khoa học hơn. Trung Quốc ghi nhận hơn 41.000 ca mắc từ ngày 1/3-21/3, ở  28 tỉnh và thành phố.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 21/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Nhật Bản phê duyệt sử dụng vaccine của hãng Pfizer để tiêm mũi thứ 3 cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 tuổi. Quyết định trên được đưa ra sau khi hội đồng xem xét các dữ liệu tiêm chủng ở những nước đã bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho trẻ em như Israel và Mỹ. Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi vào tháng 4 tới, với hy vọng việc tiêm mũi thứ 3 sẽ có hiệu quả giúp chống lại biến thể Omicron có khả năng lây lan cao. Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản tiếp tục giảm cho dù còn khá chậm. Ngày 23/3, Nhật Bản ghi nhận 41.0 ca nhiễm mới, giảm 16.800 ca so với một tuần trước đó, và 122 ca tử vong.

Tại Mỹ, giới chức lo ngại dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại tại nhiều khu vực ở miền Đông Bắc trong bối cảnh dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đang là biến thể chủ đạo gây bệnh tại nước này. Hiện trung bình mỗi ngày nước Mỹ ghi nhận 28.600 ca mắc mới, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm lần gần đây nhất là hơn 800.000 ca/ngày trong tháng 1 vừa qua.

Số ca tử vong hiện ở mức trung bình khoảng 900 ca/ngày. Theo các nhà khoa học, BA.2 dường như không gây bệnh nặng hơn so với biến thể Omicron ban đầu cũng như dòng phụ BA.1 của biến thể này, nhưng dễ lây lan hơn. Số ca nhiễm BA.2 hiện chiếm 35% trong tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn nước Mỹ và nhiều khả năng đây sẽ sớm trở thành biến thể chủ đạo tại Mỹ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Coral Gables, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo báo cáo cập nhật tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu theo tuần mới nhất được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 23/3, số ca mắc mới trên toàn cầu tăng tuần thứ hai liên tiếp trong bối cảnh một số nước châu Á trở thành điểm nóng khi ghi nhận hàng loạt ca mắc mới.

Cụ thể, số ca mắc mới trên toàn cầu trong tuần qua tăng 7% so với tuần trước đó, với khoảng 12 triệu ca mắc mới. Số ca mắc tăng 21% ở khu vực Tây Thái Bình Dương – nơi có các nước ghi nhận sự tăng vọt số ca mắc mới, trong đó có Hàn Quốc. Khu vực châu Âu có số ca mắc duy trì ổn định, trong khi dịch bệnh có chiều hướng giảm ở các khu vực Đông Địa Trung Hải, châu Phi, Đông Nam Á và châu Mỹ. Số ca tử vong nói chung giảm 23% so với tuần trước, mặc dù ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận mức tăng 5%. Ngoài ra, có thêm 33.000 ca tử vong trên toàn cầu.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đại dịch này vẫn chưa kết thúc, thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm gia tăng và các biến thể mới xuất hiện có thể né tránh vaccine cho đến khi tất cả các quốc gia đạt được tỷ lệ bao phủ tiêm chủng.

Kết quả giải trình tự gene trong tháng trước được đăng trên hệ thống dữ liệu GISAID cho thấy Omicron đang là biến thể trội nhất, chiếm 99,8% mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gene. Trong đó, dòng phụ của Omicron là BA.2 chiếm tỷ lệ nhiều nhất, với 85,96%.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Melbourne, Australia, ngày 9/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Ba Lan ngày 24/3 thông báo sẽ dỡ bỏ phần lớn các qui định đeo khẩu trang và cách ly. Theo Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielsky, việc đeo khẩu trang sẽ không còn là yêu cầu bắt buộc khi đến các không gian kín, tất cả người nhập cảnh và những người ở cùng phòng với người mắc COVID-19 sẽ không bị yêu cầu tự cách ly tại nhà. Hai quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 28/3, ngoại trừ đối với các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Bộ trưởng Y tế cũng cho biết cuộc khủng hoảng người di cư liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine không làm gia tăng số ca mắc COVID-19 tại Ba Lan, dù rằng đến nay đã có hơn 2 triệu người sơ tán sang nước này kể từ ngày 24/2.

Chính phủ Bồ Đào Nha ngày 24/3 thông báo về việc gia hạn "tình trạng báo động" vì đại dịch COVID-19 đến ngày 18/4 tới.

Hội đồng Bộ trưởng Bồ Đào Nha đã xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết theo nghị quyết được thông qua cùng ngày, các biện pháp phòng dịch hiện hành vẫn tiếp tục được giữ nguyên.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở London, Anh ngày 27/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong số các biện pháp này có quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian công cộng trong nhà, tại các cơ sở dịch vụ y tế và trên các phương tiện giao thông. Đối với những người chưa tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, điều kiện để được tới các địa điểm trong không gian kín và các cơ sở y tế là bắt buộc phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Giới chức sở tại trước đó đã lên kế hoạch gia hạn tình trạng báo động này vào ngày 30/3.

Tại Israel, Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 24/3 đã quyết định hoãn dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 thêm 1 tháng theo đề xuất của Bộ Y tế nước này trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu lây lan nhanh.

Trước đó, Nội các Israel đã dự định sẽ dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 kể từ ngày 1/4 tới. Theo quyết định mới, nước này sẽ tiếp tục kéo dài các biện pháp phòng dịch hiện hành đến ngày 1/5 tới.

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Bennett đã họp với Bộ trưởng Y tế Nitzan Horowitz và lãnh đạo các trung tâm y tế lớn nhằm thảo luận về tình hình gia tăng số ca mắc COVID-19 gần đây, cũng như sự xuất hiện của biến thể phụ BA.2 của biến chủng Omicron.

Trong bài viết đăng ngày 24/3 trên báo điện tử Financial Express của Ấn Độ, người đứng đầu Hiệp hội Y tế công cộng Ấn Độ (PHFI) K Srinath Reddy cho rằng vẫn chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu khi mà virus SARS-CoV-2 vẫn chưa đạt hình thái phát triển đủ ổn định để có thể dự đoán về khả năng lây nhiễm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Pattani, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ông Reddy cho biết, năm 2020 có không ít ý kiến cho rằng vaccine có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2 và virus này sẽ biến mất vào năm 2021. Tuy nhiên, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới hiện nay cho thấy Omicron đang là biến thể chủ đạo, trong khi sự xuất hiện biến thể Deltacron lai giữa Delta và Omicron đang gây quan ngại. 

Số ca mắc mới COVID-19 ở Tây Âu và Đông Á đang gia tăng, Trung Quốc đã phải phong tỏa tỉnh Cát Lâm và thành phố Thâm Quyến nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19. Hàn Quốc cũng đang phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và thực hiện nghiêm các quy định chống dịch. Tại Ấn Độ, Bộ Y tế nước này gần đây đã cảnh báo các bang cần tiếp tục thận trọng sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Theo tác giả bài viết, virus SARS-CoV-2 sẽ vẫn tồn tại, song COVID-19 đã trở thành một bệnh “đặc hữu” hay chưa thì cần thời gian để trả lời. Ông lấy trường hợp của Ấn Độ làm dẫn chứng. Một nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng 8/2021 đã nhận định Ấn Độ có thể đang bước vào giai đoạn COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, sự bùng phát làn sóng lây nhiễm Omicron sau đó đã cho thấy rằng giai đoạn đó vẫn chưa đến.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Nỗ lực tháo gỡ rào cản trong việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19
Nỗ lực tháo gỡ rào cản trong việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19

Những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ chuyển nặng hiện đã có phương pháp điều trị mới tại nhà mà không phải đến bệnh viện trong trường hợp nếu được bác sĩ tư vấn và uống thuốc kịp thời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN