Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 115.619.875 ca, trong đó có 2.567.766 người tử vong.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 91.363.842 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 21.8.267 ca và 90.054 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 3/3, thế giới có tới 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 105 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng trở lại.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 29.425.306 ca nhiễm và 51.517 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Đội với 11.156.748 ca nhiễm và 157.471 ca tử vong; Brazil đứng thứ ba với 10.647.845 ca nhiễm và 257.562 ca tử vong.
Hiện Brazil đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới trong khi các hệ thống y tế đều đang đứng trước nguy cơ quá tải. Trong khi đó, châu Âu vẫn chứng kiến số ca mắc mới/ngày tăng cao, chiếm tới 50% tổng số ca bệnh phát sinh trong ngày của thế giới.
Tại Hàn Quốc, nhằm ngăn chặn dịch bệnh, chính phủ nước này sẽ tiến hành rà soát biện pháp phòng dịch COVID-19 tại hơn 11.900 cơ sở sản xuất và ký túc xá có 5 người nước ngoài trở lên trên phạm vi toàn quốc. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện địa điểm có rủi ro lây nhiễm cao, nhóm sẽ lấy mẫu để tiến hành xét nghiệm. Cơ sở nào không đồng ý rà soát, hoặc có rủi ro lây nhiễm cao, sẽ bị thông báo tới chính quyền địa phương để xử phạt hành chính.
Ở Nhật Bản, thống đốc 4 tỉnh, thành thuộc vùng thủ đô ở Nhật Bản đang cân nhắc đề nghị Thủ tướng Suga Yoshihide gia hạn tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở khu vực thêm 2 tuần. Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ nhóm họp vào ngày 5/3 tới để đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Tại châu Đại Dương, Australia sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới quốc gia ít nhất thêm 3 tháng nữa, tới hết ngày 17/6, trong bối cảnh dịch COVID-19 trên toàn thế giới vẫn chưa được kiểm soát và nước này mới bắt đầu bước vào giai đoạn đầu tiên trong lộ trình tiêm vaccine phòng ngừa. Lệnh đóng cửa biên giới quốc gia ở Australia theo kế hoạch ban đầu sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/3, đúng một năm kể từ khi biện pháp này được thực hiện lần đầu tiên nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Tại khu vực châu Âu, số người phải nhập viện vì COVID-19 trong 24 giờ qua tại Ukraine đã tăng ở mức cao kỷ lục với 3.486 người, trong khi số ca tử vong do căn bệnh này cũng vẫn duy trì ở mức cao. Theo Bộ trưởng Y tế Maksym Stepanov, Ukraine có thêm 7.235 ca nhiễm mới và 185 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong lên lần lượt là 1.364.705 ca và 26.397 ca.
Hiện Ukraine đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân sau khi nhận được lô vaccine AstraZeneca gồm 500.000 liều sản xuất tại Ấn Độ, trong đó ưu tiên chủng ngừa cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch và lực lượng quân đội. Nga và Belarus cũng nghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới.
Nhằm đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Séc đã yêu cầu tiến hành xét nghiệm bắt buộc tại các công ty. Theo đó, từ ngày 3/3, các công ty sử dụng trên 250 lao động sẽ phải bắt đầu tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên và hoàn thành đợt xét nghiệm đầu tiên trước ngày 12/3. Các công ty trên 50 nhân viên hoàn thành trước ngày 15/3. Vi phạm quy định trên có thể chịu mức phạt lên tới 500.000 korun (khoảng 23.000 USD).
Bộ Y tế Slovakia thông báo từ ngày 3/3 bắt đầu áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, trong bối cảnh quốc gia Trung Âu này đang chứng kiến tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới.
Theo sắc lệnh của chính phủ, người dân Slovakia sẽ không được phép đi ra ngoài trong thời gian lệnh giới nghiêm được áp đặt. Người dân được yêu cầu ở trong nhà vào ban ngày, trừ một số trường hợp ngoại lệ như đi khám bệnh, đi làm, đi dạo. Lệnh giới nghiêm này sẽ có hiệu lực cho đến ngày 19/3 và có thể được gia hạn tùy theo tình hình dịch bệnh.
Bắc Ireland ngày 2/3 trở thành vùng cuối cùng ở Anh nhất trí nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong khi Scotland đang cân nhắc dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa do số ca nhiễm có chiều hướng giảm. Quan chức vùng Bắc Ireland, bà Michelle O'Neill cho biết các hoạt động giải trí, thể thao, đi lại, cầu nguyện sẽ được nối lại theo giai đoạn, từ phong tỏa đến thực hiện một cách thận trọng, dần nới lỏng theo các mức và chuẩn bị cho tương lai.
Bà O'Neill nêu rõ kế hoạch nới lỏng hạn chế sẽ được triển khai dựa trên tình hình dịch bệnh thực tế, chứ không đặt ra thời gian cụ thể như các vùng England, xứ Wales và Scotland đang làm. Quan chức này khẳng định sẽ làm mọi cách để đây là lần cuối cùng vùng Bắc Ireland phải áp đặt lệnh phong tỏa. Trong khi đó, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết đang cân nhắc đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng trong bối cảnh trường học dự kiến mở cửa trở lại từ ngày 15/3 tới, tức là 1 tuần sau khi vùng England mở cửa trường học trở lại.
Tại Đức, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đang cân nhắc khôi phục hoạt động bình thường bằng cách nới lỏng từng phần các biện pháp phòng dịch.
Ở châu Mỹ, người đứng đầu Cơ quan Y tế cộng đồng của Canada, bà Theresa Tam, cảnh báo số ca nhiễm COVID-19 mới đang bắt đầu tăng trở lại tại quốc gia Bắc Mỹ này sau một tháng có xu hướng giảm. Cụ thể, trung bình trong tuần qua, Canada ghi nhận 2.933 ca nhiễm mới/ngày, với mức tăng từ 8-14% ở các tỉnh lớn như Ontario, Alberta và British Columbia (so với tuần trước đó).
Mô hình từ Cơ quan y tế công cộng Canada dự báo số ca mắc COVID-19 mới sẽ vọt lên 20.000 ca mỗi ngày trước tháng 5/2021 nếu các biện pháp y tế công cộng không được thắt chặt. Tính đến 19h ngày 2/3 (giờ địa phương), Canada đã xác nhận 872.747 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 22.045 người đã tử vong.
Về vấn đề phân phối vaccine ngừa COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 2/3 thông báo dự kiến đến cuối tháng 5, sẽ có 237 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca được phân phối tới 142 nước thông qua chương trình phân phối vaccine toàn cầu COVAX. Hiện nhiều nước trên thế giới đã nhận được vaccine từ cơ chế này, trong đó có Ghana, Côte d'Ivoire, Angola, Campuchia, CHDC Congo, Nigeria...
Một vấn đề đáng lưu ý khác, giới chức Nam Phi cho biết những người đã từng nhiễm biến thể 501Y.V2 có nguồn gốc từ Nam Phi sẽ có khả năng miễn nhiễm với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize khẳng định biến thể 501Y.V2 mặc dù có khả năng lây lan cao hơn, nhưng không khiến bệnh trầm trọng hơn so với virus SARS-CoV-2 gốc. Hiện biến thể này đã xuất hiện tại ít nhất 40 quốc gia trên thế giới.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 10.457 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 53.600 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.
Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” chưa hề thấy “ánh sáng cuối đường hầm” sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây, bất chấp tình hình số ca mắc mới bắt đầu giảm nhẹ so với mấy ngày trước.
Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á, chiếm hơn 30% số ca tử vong trong ngày của cả châu lục.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong giảm so với ngày trước nữa.
Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.745 ca bệnh mới, 7 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.
Myanmar dịch bệnh đang hạ nhiệt khi trong 24 giờ qua không ghi nhận ca tử vong nào và chỉ có 19 ca bệnh mới. Xu thế dịch hạ nhiệt đang diễn ra ở quốc gia này.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 3/3 ghi nhận thêm 35 ca bệnh mới, song không có ca tử vong. Thái Lan dù không ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây, song tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao và diễn biến phức tạp.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có tới 35 bệnh nhân mới trong ngày 3/3, buộc nhà chức trách phải phong tỏa nhiều khu vực ở thủ đô.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 53.601 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 230 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.473.3 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.178.902 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Lào, Brunei và Timor-Leste không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.